CPI tháng 1-2012: Tăng thấp nhất trong 10 năm qua

02:02, 02/02/2012

Với mức tăng 1%, CPI tháng đầu tiên của năm 2012 là tháng có mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Có được kết quả này là do sự nỗ lực, kiên trì trong thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát.

Tích cực công tác bình ổn giá

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù tháng 1 là tháng trùng với Tết Nguyên đán nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2012 chỉ tăng 1% so với tháng trước và tăng 17,27% so với cùng kỳ năm 2011. Với mức tăng này, CPI tháng 1-2012 tăng thấp thứ hai so với các tháng đầu năm từ năm 2004 đến nay (sau CPI tháng 1-2009 tăng 0,32%). Mức tăng này được các chuyên gia nhận định, đã phản ánh khá rõ thực tế đời sống của người dân hiện nay trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Mua hàng ở siêu thị Big C Nam Định. Ảnh: Đức Toàn
Mua hàng ở siêu thị Big C Nam Định.    Ảnh: Đức Toàn

CPI tháng 1-2012 chỉ tăng nhẹ là nhờ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình (nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ hàng chung và có ảnh hưởng mạnh nhất tới CPI) chỉ tăng 1,01%. Có một điều khác biệt của năm nay so với nhiều năm, đó là người dân cả nước ăn Tết không phải chịu sức ép vì tăng giá lương thực, bởi giá lương thực, thực phẩm có tăng nhưng không đáng kể, và tăng ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ Tết Nguyên đán của những năm trước. Tình hình cung cầu, giá cả trên thị trường cả nước thời gian trước Tết, cận Tết và trong 5 ngày Tết được bảo đảm ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, thị trường đã không xảy ra hiện tượng thiếu hàng sốt giá trong dịp Tết. Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết cũng như cả tháng 1-2012 đã được các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp chuẩn bị chu đáo. Cùng với đó, nhiều địa phương đã triển khai việc bán hàng bình ổn và tổ chức bán hàng phục vụ Tết, đặc biệt cho địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường tại các địa phương đã đem lại hiệu ứng tích cực cho thị trường, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nhận định, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp trong công tác bình ổn thị trường là yếu tố chính để thị trường được bình ổn, không có tình trạng găm hàng sốt giá... đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến CPI tháng 1 tăng ở mức thấp trông thấy.

Ngoài ra, các lĩnh vực khác trong rổ hàng hóa cũng có dấu hiệu tăng rất nhẹ. Nhóm may mặc và giầy dép cũng chỉ tăng ở mức 1,97%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có mức tăng ở mức 1% và dưới 1% bao gồm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,96%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,93%; giao thông tăng 0,66%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%...

Kiên trì các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát

Có được những thành quả này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội, là do chúng ta đã hạn chế thấp nhất những tác động không mong muốn của tăng giá tiêu dùng bằng việc tiếp tục triển khai quyết liệt 6 nhóm giải pháp lớn của Chính phủ đã đề ra. Kèm với đó, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu. Do đó, trên thị trường, nguồn cung hàng hóa được ổn định bởi các doanh nghiệp đã cùng nỗ lực tung ra thị trường các nguồn hàng dự trữ, đây là lý do khiến giá cả không có nhiều biến động mạnh. Điều này đã góp phần bình ổn thị trường, bình ổn giá. Ông Phong cho biết, khác với những dự đoán trước đây, cho rằng, tháng 1- 2012 là tháng đặc biệt do Tết Dương lịch trùng với Tết Âm lịch và có số ngày nghỉ lên tới 9 ngày nên nhu cầu tiêu dùng, nghỉ ngơi, văn hóa giải trí, đi lại trong nhân dân sẽ tăng cao. Đây sẽ là những yếu tố khiến giá tiêu dùng tháng 1-2012 sẽ tăng cao hơn hẳn so với mức tăng của tháng 12-2011. "Thế nhưng kết quả lại hoàn toàn khác với dự đoán. CPI Hà Nội chỉ tăng 0,96%. CPI cả nước thấp nhất trong 10 năm qua. Đây là thành công lớn trong những nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Do đó chúng ta cần tiếp tục kiên trì các nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát như đã làm trong thời gian qua”.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, sự chiếm lĩnh của hàng nội địa như hàng may mặc, giày dép... tại các siêu thị có ưu thế hơn hẳn so với mọi năm, khiến cho hàng hóa nhập khẩu phục vụ Tết "ít chỗ đứng” cũng là lý do góp phần kiềm chế sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng đầu năm 2012./.

Theo: daidoanket.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com