Ngành Ngân hàng đẩy mạnh đưa vốn về nông thôn

02:01, 07/01/2012

Theo nhận định của các đơn vị trong ngành Ngân hàng, thị trường tín dụng nông thôn tỉnh ta là một thị trường nhiều tiềm năng, nhất là với nhu cầu vốn để hình thành các vùng chuyên canh lúa, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn (điện, đường giao thông), phát triển các trang trại và hoạt động của trên 90 làng nghề ở các địa phương trong tỉnh. Những năm qua, thị trường tài chính nông thôn của tỉnh ta đã được tiếp nhận nhiều nguồn vốn đầu tư như: Vốn ngân sách nhà nước; vốn tín dụng nông nghiệp lãi suất ưu đãi đầu tư các dự án; vốn tín dụng lãi suất ưu đãi cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Chi nhánh VPBank Nam Định khai trương điểm giao dịch Thị trấn Lâm (Ý Yên).
Chi nhánh VPBank Nam Định khai trương điểm giao dịch Thị trấn Lâm (Ý Yên).

Đồng chí Đặng Huy Việt, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Nam Định cho biết: Từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm xây dựng các cơ chế chính sách phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ nâng cao năng lực của các định chế tài chính, nhất là các định chế tài chính hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kêu gọi các nguồn vốn nước ngoài cho vay trong lĩnh vực này. Năm 2011, trong tổng số 2.083 tỷ đồng dư nợ cho vay bằng VND và 527 tỷ đồng dư nợ cho vay bằng ngoại tệ của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Nam Định, thì số dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn đạt 9.038 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,3%, tăng 21,1% so với năm 2010. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Nam Định đã kiên quyết không để phát sinh cho vay đầu tư phi sản xuất, ít khả thi mà tập trung cho vay tại ngành kinh tế nông, lâm, thủy sản… Đồng chí Phạm Huy Cận, Giám đốc Ngân hàng NN và PTNT tỉnh cho biết: Đơn vị đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh đưa nguồn vốn về khu vực nông thôn. Năm 2011, trong tổng dư nợ đạt gần 5.000 tỷ đồng, thì thành công lớn nhất của Ngân hàng NN và PTNT Nam Định là xây dựng hiệu quả mạng lưới tổ vay vốn đến từng thôn, xóm, đưa vốn đến hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Hiện tại, Ngân hàng NN và PTNT Nam Định đã có 35 điểm giao dịch với trên 2.400 tổ vay vốn hoạt động ở khắp 229 xã, phường, thị trấn. Từ nguồn vốn vay theo hình thức cho vay vốn tới hộ không chỉ tác động trực tiếp đến đời sống người dân ở khu vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực của khu vực nông thôn trong tỉnh mà còn góp phần tạo dựng uy tín, thương hiệu của Ngân hàng NN và PTNT Nam Định trên thị trường tín dụng, giúp ngân hàng giữ được sự ổn định, phát triển trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ có nhiều biến động… Tại Ngân hàng NN và PTNT Nam Trực, với tổng nguồn vốn khoảng 400 tỷ đồng, ngân hàng luôn chú trọng hướng đến đối tượng vay là các hộ dân vì các dự án vay này sát với điều kiện thực tế, chất lượng tín dụng cao. Ngân hàng hiện có 443 tổ vay vốn tại 396 thôn, xóm, đội sản xuất, cơ quan, trường học của 21 xã, thị trấn... nhưng tổng nợ xấu toàn huyện hiện chỉ ở mức gần 0,01%. Tại huyện Nghĩa Hưng, nhờ áp dụng phương pháp đặt bàn tư vấn tại trụ sở và các điểm giao dịch, nên Ngân hàng NN và PTNT huyện đã đưa vốn đến với người dân nhanh chóng và thuận lợi. Trong tổng nguồn vốn hơn 300 tỷ đồng của Ngân hàng NN và PTNT huyện Nghĩa Hưng đã được sử dụng cho khoảng 30% tổng số hộ dân của huyện vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và hầu hết các hộ đều đạt hiệu quả kinh doanh, sản xuất cao. Các hộ được vay vốn để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, bình quân mỗi tháng thu nhập gần 10 triệu đồng… Tại Ngân hàng CSXH Chi nhánh Nam Định, đơn vị thực hiện công tác đầu tư vốn về nông thôn mạnh nhất tỉnh đã đạt tổng dư nợ trong năm 2011 khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ tại các huyện Nam Trực, Xuân Trường mỗi huyện đạt trên 200 tỷ đồng; tại các huyện Hải Hậu, Ý Yên mỗi địa phương đạt gần 300 tỷ đồng… Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Nam Định (BIDV Nam Định), với tổng doanh số vốn cho vay năm 2011 là 1.218 tỷ đồng, BIDV Nam Định cũng luôn ưu tiên cho vay đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. BIDV Nam Định còn là đơn vị tiên phong thực hiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp nông thôn. Trong hai tháng cuối năm 2011, BIDV Nam Định đã thực hiện 3 lần hạ lãi suất cho các doanh nghiệp vay từ 20,1%/năm xuống còn 15-17,5%/năm; đối với các đối tượng ưu tiên lãi suất cho vay hiện giảm còn 14,5-15%/năm. Tại Chi nhánh VPBank Nam Định, cũng luôn quan tâm hướng đầu tư nguồn vốn cho vay về nông thôn. Đơn vị đã nỗ lực tìm hiểu, tiếp cận thị trường và tiếp nhận cho vay đối với tất cả các dự án đầu tư ở nông thôn của cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Đến thời điểm này, chi nhánh đã thành lập được 2 điểm giao dịch tại các huyện Trực Ninh, Ý Yên, nâng tổng số lên 5 điểm giao dịch. Nhờ đó đến thời điểm hiện nay, trong tổng số 400 tỷ đồng dư nợ cho vay, tỷ lệ vốn cho các hộ nông thôn vay đạt hơn 60%. Các dự án vay ở nông thôn của chi nhánh đều đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao nên từ khi hoạt động đến nay, Chi nhánh VPBank Nam Định luôn đạt chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp (0,018%), các khoản dư nợ đều thu được lãi tiền vay theo tiêu chuẩn… Từ sự chỉ đạo đúng đắn của các cấp, các ngành và sự tích cực, chủ động tham gia của các ngân hàng, đến hết năm 2011, trong tổng dư nợ cho vay đạt 18.040 tỷ đồng, ngành Ngân hàng tỉnh đã tăng dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn lên 48,9% (đầu năm là 46,3%), trong đó cho vay hộ nghèo, hộ chính sách tăng 10,3% so với đầu năm. Nguồn vốn này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện mức sống cho chính các hộ dân nông thôn tham gia các dự án vay vốn mà còn góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.  

Thời gian tới, để tăng nhanh tổng số hộ nông dân tại các địa phương trong tỉnh được tiếp cận vốn và các dịch vụ của ngân hàng, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, đa dạng các ngành nghề, góp phần nâng cao giá trị thu nhập và cải thiện đời sống, các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ tâm lý nhận định về khả năng trả nợ của khách hàng nông thôn thấp do nông thôn là khu vực sinh lời thấp, chịu chi phí sản xuất cao, nhiều rủi ro khách quan (thiên tai, dịch bệnh,…) khiến các ngân hàng ít đưa vốn về đầu tư, đặc biệt là vốn thương mại... Tiếp tục nghiên cứu, giảm bớt quy trình cung cấp tín dụng chưa phù hợp với trình độ của người dân, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp là đất đai; không đáp ứng kịp thời vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và lãi suất các khoản cho vay thương mại đối với nông nghiệp, nông thôn còn ở mức rất cao, khiến còn tệ nạn tín dụng nặng lãi. Hơn nữa, ngành Ngân hàng cũng cần rà soát thực trạng và nhu cầu vốn đầu tư cho từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể trong từng ngành nghề sản xuất của nông thôn để có kế hoạch phân bổ, bố trí nguồn vốn vay phù hợp, hiệu quả nhất./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com