Cha ông ta đã đúc kết “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”! Dạy nghề cho người lao động đã trở thành một yêu cầu cấp bách để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Gần 11 giờ trưa nhưng lớp học may của xã Giao Nhân (Giao Thuỷ) đặt tại cơ sở may xóm 6, chị em vẫn miệt mài bên chiếc máy khâu. Chị Cao Thị Nhi cho biết: Học hết phổ thông, rồi lập gia đình, 2 đứa con ra đời, nhu cầu chi tiêu cứ vùn vụt tăng lên mà cả hai vợ chồng ngoài làm ruộng chẳng biết nghề gì khác. Chồng chị có sức vóc, nên anh theo các đội xây dựng đi làm ăn xa, lâu lâu cũng tích cóp được khoản tiền cho gia đình nhưng vợ chồng trẻ lại cứ phải xa nhau suốt. Chị ở nhà vài sào ruộng bây giờ làm “vèo” cái là hết việc. Cũng muốn bươn chải phụ cùng chồng lo kinh tế nhưng lại bấn bíu con nhỏ. Các nhà đầu tư về thành lập doanh nghiệp ngay ở huyện, có cơ hội trở thành công nhân với công việc ổn định nhưng lại chưa có nghề trong tay. Muốn đi học nghề cũng phải mất ít nhất 2-3 tháng, lại còn chi phí học nghề. Khi xã Giao Nhân được tổ chức một lớp dạy nghề may ngắn hạn theo Chương trình 1956 của Chính phủ, những vướng mắc của chị được tháo gỡ. Vừa được học nghề gần nhà, vẫn có thể chăm sóc tổ ấm, lại được hỗ trợ kinh phí. Chị bảo có nghề rồi, chị có thể xin vào Cty May thời trang thể thao ở ngay Thị trấn Ngô Đồng vì doanh nghiệp này đang tuyển lao động... Như vậy chị sẽ có việc làm để có thu nhập ổn định hàng tháng, vẫn có thể chu toàn việc đồng áng và việc nhà.
Nhiều bạn trẻ qua học nghề đã tìm được việc làm ổn định tại Cty cổ phần Thời trang thể thao Giao Thủy. |
Ở một lớp dạy nghề “Kỹ thuật trồng bí xanh đông trên đất 2 lúa” mở tại xã Hải Đường (Hải Hậu) - xã điểm toàn quốc về xây dựng nông thôn mới, trong buổi tổng kết lớp, ông Ninh Xuân Cân, xóm 3, là người tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật do địa phương tổ chức đã nhận xét: Đây là một phương pháp học hoàn toàn mới. Các buổi thực hành ngoài đồng ruộng giúp chúng tôi nắm chắc hơn về các thao tác kỹ thuật như cách bấm ngọn, tỉa nhánh, cách cho bí leo lên giàn thế nào cho hợp lý mà không ảnh hưởng đến quả ra sau này. Đặc biệt chúng tôi đã biết cách thụ phấn bổ sung cho bí để quả thẳng không cong, không vẹo. Bao năm gắn bó với vườn ruộng, cây bí nhưng nhiều kỹ thuật tưởng như đơn giản họ lại chưa từng làm. Qua lớp dạy nghề được trang bị kiến thức chuyên môn, sau khóa học, nông dân có thể chủ động áp dụng các kiến thức cho ra những sản phẩm chất lượng tốt hơn, có giá trị kinh tế cao hơn. Nhiều học viên khác bộc bạch: Cứ nghĩ nghề nông thì chỉ cần chăm chỉ và kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, nhưng chính vì học theo kiểu kinh nghiệm nên việc áp dụng có khi thành công, có khi hỏng vì mình không hiểu lý thuyết, nguyên tắc khoa học của nó để khi áp dụng có tính toán điều kiện cụ thể thích hợp...
Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về phát triển kinh tế CN-TTCN đề ra mục tiêu: Đến năm 2015, có 80% số xã có giá trị sản xuất CN-TTCN từ 10% trở lên; trong đó phấn đấu 100% số xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh có nghề, làng nghề, sản phẩm chủ yếu, có giá trị sản xuất CN-TTCN từ 15% trở lên; 100% làng nghề tiểu thủ công nghiệp hiện có đạt tiêu chí làng nghề của Bộ NN và PTNT. Giải quyết thêm việc làm cho khoảng 50 nghìn lao động, đưa tổng số lao động sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn lên 160 nghìn người... Để thực hiện mục tiêu này, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong các giải pháp chiến lược. Những năm qua, bằng nhiều biện pháp đẩy mạnh việc khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, đưa nghề mới về nông thôn đã giải quyết tình trạng thiếu việc làm, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị. Nhiều người nông dân, nhất là lao động trẻ, lao động nữ và cả nhóm đối tượng yếm thế trong xã hội như người khuyết tật, người mắc tai tệ nạn xã hội… cũng đã có được “chiếc cần câu” phù hợp để bảo đảm cuộc sống cho bản thân. Nhờ có chương trình dạy nghề, cùng các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, mấy năm trở lại đây một số vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã được giải quyết như tình trạng quá tải dân số ở thành phố kéo theo các nhu cầu xã hội thiết yếu như nhà ở, trường học, y tế, vui chơi giải trí. Hay người nông dân đi làm ăn xa đã dần trở về địa phương, có việc làm, thu nhập ổn định tại chỗ, không lo ngại kéo theo tai tệ nạn xã hội xâm nhập. Đặc biệt trong quá trình triển khai nhiệm vụ dạy nghề ở tỉnh ta, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với người nghèo, người cận nghèo, người khuyết tật đã được chú trọng, giúp cho họ có cơ hội tự vươn lên thoát nghèo, phát huy được những khả năng sáng tạo tiềm ẩn của bản thân đóng góp cho xã hội. Theo đồng chí Bùi Đức Long, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tỉnh ta trong những năm tới, cần phải đẩy mạnh đào tạo nghề toàn diện, để giá trị hàm lượng chất xám trong sản phẩm của địa phương ngày càng cao. Với hệ thống cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp, dạy nghề hiện có trên địa bàn là điều kiện tiên quyết để người lao động địa phương có thể tiếp cận với cơ hội học nghề. Với các chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay đang được xem là “cơ hội vàng” cho đào tạo nghề nông thôn.
Thành ngữ có câu “cho cần câu hơn cho con cá”. Việc dạy nghề cho nông dân chính là cho họ chiếc “cần câu” hữu dụng, trao cơ hội và phương tiện để họ có việc làm ổn định, lập thân, lập nghiệp bền vững, một yêu cầu cần thiết trong xây dựng nông thôn mới cũng như chiến lược “tam nông” của Đảng, là việc làm thiết thực để bảo đảm an sinh xã hội./.
Bài và ảnh: Vân Anh