Tăng trưởng từ nội lực

09:12, 30/12/2011

Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (theo giá cố định 1994) ước đạt 12.233 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2010. Đạt được kết quả trên trong bối cảnh lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào liên tục biến động, lãi suất cho vay cao lại khó tiếp cận nguồn vốn nhưng được sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, thực hiện các biện pháp linh hoạt về cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn. Bản thân các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, linh hoạt trong điều hành quản lý, chuyển hướng sản xuất các mặt hàng có thị trường ổn định và mở rộng được thị trường. Nhiều sản phẩm ngành hàng có sức tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ. Các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sức cạnh tranh của sản phẩm, sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu, tập trung khai thác thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã phát huy nội lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất có công nghệ cao, ít tiêu tốn năng lượng và ảnh hưởng đến môi trường tạo ra các sản phẩm xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã chú trọng việc giảm chi phí đồng thời tăng năng suất lao động, tạo ra hiệu quả kinh tế cao.

Cty CP Dây lưới thép Nam Định đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao.
Cty CP Dây lưới thép Nam Định đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao.

Các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, dệt may luôn tạo được sự ổn định và phát triển; các làng nghề, khu, cụm công nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn duy trì sản xuất, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp. Cty CP Dây lưới thép Nam Định gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các chi phí khác đều tăng, để duy trì và phát triển sản xuất, Cty đã sắp xếp lại dây chuyền cho hợp lý, tiết kiệm chi phí ở từng công đoạn, cải tiến công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong công tác quản lý, Cty đã chủ động điều chỉnh kế hoạch theo ngày, theo tuần để sản xuất các loại sản phẩm thị trường cần. Theo tính toán, có thời điểm Cty cần đến 40 tỷ đồng vốn lưu động nếu vay ngân hàng với lãi suất cao khó lòng sản xuất hiệu quả. Vì vậy, với chính sách “Bán hàng không kho” sản phẩm của Cty sản xuất ra đến đâu bán hết đến đấy, giảm khó khăn về vốn lưu động, tăng hiệu quả kinh doanh. Các sản phẩm của Cty được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế phù hợp với yêu cầu của người sử dụng và được đánh giá cao như: Các loại lưới thép mạ kẽm bọc nhựa, sản phẩm dây thép mạ kẽm, lưới thép B40 mạ kẽm, lưới thép B41 mạ kẽm và bọc nhựa, dây thép gai mạ kẽm, các loại sản phẩm phục vụ giao thông, thủy lợi, xây dựng… Nhiều năm liền sản phẩm của Cty được xếp vào Top 100 các sản phẩm cơ khí, VLXD đáp ứng các tiêu chí về năng lực cạnh tranh quốc tế theo hệ thống chỉ số tín nhiệm vàng TSI - Gold Trust Supelier 2011; được nhận Cúp Vàng “Doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam năm 2010”; được cấp quyền sử dụng dấu hiệu thương hiệu Việt uy tín 2011… Năm 2011, Cty đạt doanh thu trên 300 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2010, bảo đảm việc làm ổn định cho 300 công nhân với mức lương bình quân trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Để phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều cơ sở sản xuất trong ngành cơ khí đã đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại. Trên địa bàn tỉnh đã có các cơ sở chế tạo khuôn mẫu sử dụng công nghệ CNC. Xuất thân từ gia đình có nghề cơ khí, sau 6 năm lao động tại Hàn Quốc, anh Trần Hồng Kiên đã nắm vững quy trình thao tác, lập trình cho máy phay CNC để chế tạo khuôn mẫu. Về nước anh xây dựng nhà xưởng, đầu tư trên 1,6 tỷ đồng để mua máy phay MYNX50 của Hàn Quốc có thể gia công được các chi tiết có kích thước 1.200mm x 600mm x 600mm. Doanh nghiệp Hồng Kiên (Vụ Bản) do anh phụ trách đã đi vào sản xuất từ năm 2010. Do có tay nghề lại sử dụng công nghệ hiện đại, cơ sở Hồng Kiên đã sản xuất được các loại khuôn máy ép gạch không nung, khuôn huỳnh cửa sắt, các loại khuôn mẫu phục vụ ngành sản xuất đồ nhựa… có độ chính xác cao, tiết kiệm được nguyên liệu và giảm sức lao động… Vì vậy giá thành có loại giảm tới 40% so với cách chế tạo khuôn cũ hoặc mua tại tỉnh ngoài. Để có sản phẩm chất lượng cao, cơ sở đã sử dụng đúng nguyên liệu theo yêu cầu của từng loại sản phẩm. Không chỉ phục vụ các doanh nghiệp trong tỉnh, cơ sở nhận gia công khuôn mẫu cho nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hòa Bình…

Trong lĩnh vực dệt may nhiều doanh nghiệp đã đầu tư về nông thôn, địa bàn có nguồn lao động dồi dào, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Cty CP Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thuỷ là một trong các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả vào địa bàn Giao Thuỷ. Năm 2009, Cty đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng 4.000m2 nhà xưởng, nhà điều hành, nhà kho… tạo việc làm cho 600 lao động. Cty có đơn hàng ổn định, do vậy chủ động trong việc bố trí dây chuyền và bảo đảm thời gian giao hàng. Công nhân được đào tạo cơ bản và rèn tác phong sản xuất công nghiệp. Sản phẩm của Cty luôn bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Để giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, Cty đã có nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng, nguyên phụ liệu, giảm tối đa sản phẩm không bảo đảm kỹ thuật. Sản phẩm của Cty được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Hoa Kỳ. Người lao động được chăm lo về đời sống và có thu nhập trên 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh là sự cố gắng của các huyện trong việc duy trì và phát triển sản xuất công nghiệp. Các huyện đều tạo điều kiện cho các hộ, các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp được tiếp cận với chính sách mới của Đảng và Nhà nước; được hỗ trợ vay vốn, đào tạo nguồn nhân lực, từng bước đổi mới công nghệ trang thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng, đẩy mạnh liên doanh, liên kết. Các doanh nghiệp đều chủ động sáng tạo trong tìm việc làm, sản xuất các mặt hàng mà thị trường trong và ngoài nước đang cần… Giá trị sản xuất công nghiệp của huyện Ý Yên tăng 24,5%, Trực Ninh tăng 24%, Nam Trực tăng 21,4%, Vụ Bản tăng 21%, Xuân Trường tăng 20,8%... Sản xuất của các khu, CCN cũng đạt được kết quả khả quan. Đến nay, các KCN có 156 dự án đăng ký, tổng vốn đầu tư trên 11.830 tỷ đồng và 155,76 triệu USD. Trong đó có 96 doanh nghiệp đi vào sản xuất, giá trị sản xuất của các KCN năm 2011 ước đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2010, bảo đảm việc làm cho 2,3 vạn lao động. 20 CCN được UBND tỉnh phê duyệt đã có 401 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 2.306 tỷ đồng, tổng mức đầu tư đã thực hiện trên 1.423 tỷ đồng. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp của các CCN ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, thu hút trên 12 nghìn lao động. Sản xuất tăng trưởng, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng theo. Năm 2011 giá trị xuất khẩu ước đạt 322 triệu USD tăng 27,13% so với năm 2010; giá trị hàng nhập khẩu ước đạt 268 triệu USD tăng 29,7% so với năm 2010.

Kết quả sản xuất công nghiệp đạt được năm 2011 là tiền đề để trong năm Nhâm Thìn các doanh nghiệp, các hộ sản xuất có cơ hội đưa kinh tế tỉnh nhà tiếp tục tăng trưởng cao./.

Bài và ảnh: Hữu Quyết
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com