Phát triển công nghiệp năm 2012: Giải quyết yếu kém từ nội tại

07:12, 15/12/2011

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Bộ Công thương về thực hiện nhiệm vụ năm 2011, kế hoạch 2012 và giai đoạn 2011-2015 ngày 7-12: Năm 2011 được coi là năm phấn đấu nỗ lực của ngành Công thương với giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 915,86 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2010.

Cân bằng năng lượng - Giải pháp quan trọng

Tính đến cuối năm 2010, tổng công suất điện cả nước đã đạt 10.400MW, tăng 1,98 lần so với năm 2005. Cung ứng điện giai đoạn 2005-2010 cơ bản đáp ứng cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, năm 2012 và những năm sau đã lộ diện khó khăn khi Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Phạm Lê Thanh giãi bày những bất cập trong nhiệm vụ cân đối điện cho sản xuất và tiêu dùng trong điều kiện khí, than cho điện không đảm bảo. Ông Thanh đưa ra 2 kịch bản: Nếu 5 năm tới, điện tăng trưởng 13% thì hai miền Bắc, Trung có thể đủ điện, riêng miền Nam sẽ thiếu do truyền tải. Nếu tăng trưởng 15% thì không còn điện dự phòng. Trước mắt, nếu năm 2012, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ cấp được 5,7 tỷ m3 khí cho điện như kế hoạch thì ngành điện sẽ thiếu đến 800 triệu m3 khí. Điều đó có nghĩa là EVN sẽ tăng thêm chi phí khoảng 18.000 tỷ đồng. Bức tranh tài chính của EVN sẽ càng ảm đạm. Để đảm bảo đủ điện cho đất nước, ông Thanh đưa ra 4 kiến nghị: Phải đảm bảo cung ứng đủ khí cho điện; giá điện phải đảm bảo lành mạnh tài chính cho EVN tiếp tục phát triển; cân đối đủ vốn cho các dự án điện; giải phóng mặt bằng đúng tiến độ cho các dự án lưới điện.

Các cơ sở sản xuất cơ khí ở xã Trung Thành (Vụ Bản) đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Thanh thúy
Các cơ sở sản xuất cơ khí ở xã Trung Thành (Vụ Bản) đầu tư thiết bị hiện đại,
nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ảnh: Thanh Thúy

Để giải bài toán này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu 3 tập đoàn năng lượng là PVN, EVN, Vinacomin phải thay đổi tư duy, đổi mới công nghệ và các giải pháp thu hút vốn đầu tư... Đồng thời, phối hợp nhịp nhàng trong việc đàm phán cung ứng nhiên liệu và giá cả thì mới có thể làm tốt được nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia. “Tất cả các nguồn nhiên liệu như than, khí phải ưu tiên tối đa cho điện” - Phó Thủ tướng nói. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, sắp tới có thể thành lập Ban chỉ đạo về Điều hoà khí và trong bất kỳ tình huống nào cũng luôn đảm bảo ưu tiên khí cho điện. Bên cạnh đó, cần có tín hiệu giá điện chuẩn hơn để tạo sức ép thay đổi công nghệ trong các ngành sản xuất để tăng hiệu quả tiêu thụ năng lượng. Mục tiêu giảm hệ số đàn hồi từ 2,0 hiện nay xuống 1,5 vào năm 2015 và 1,0 vào năm 2020 chính là giải pháp căn bản góp phần ổn định cung ứng điện cho đất nước.

Đẩy mạnh công nghiệp chế biến - Hướng đi quan trọng

Sự tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm là yếu tố đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp. Đây chính là mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển của ngành Công thương. Theo Phó Thủ tướng, tiềm năng lợi thế ở nước ta hiện nay tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp. Còn công nghiệp thì vẫn đang chuyển dịch từ lợi thế cạnh tranh động sang lợi thế cạnh tranh thực. Vì vậy, việc chuyển dịch cơ cấu tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến từ 84,1% (năm 2006) lên 85,5% (năm 2010) đã thể hiện hướng đi đúng trong việc tăng hàm lượng giá trị xuất khẩu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng cao nhất (26,59% năm 2010) với sự dẫn đầu của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho thấy các chủ thể tham gia xuất khẩu rất đa dạng và hoạt động ngày càng hiệu quả. Việc giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác từ 10,3% năm 2006 xuống 9,1% năm 2010 đã thể hiện sự cố gắng lớn của ngành Công thương trong việc nỗ lực tăng dần giá trị gia tăng trong công nghiệp.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch vẫn còn chậm vì rất nhiều lý do: Còn nhiều khó khăn về năng suất lao động, vốn đầu tư, thị trường, đơn hàng... Mặc dù luôn được coi là điểm sáng của xuất khẩu Việt Nam, nhưng ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) không khỏi lo lắng vì thiếu đơn hàng ở những tháng cuối năm, nhất là ở những DN vừa và nhỏ. Theo ông Trường, khó nhất với ngành dệt may chính là thu hút đầu tư vào nguyên liệu do chính sách chưa hấp dẫn, vốn của tập đoàn không kham nổi. Kế hoạch mở rộng thị trường lao động trong nước và thu hút đầu tư FDI gặp khó do tỉ suất lợi nhuận thấp. Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 18 tỷ USD vào năm 2015, ông Trường kiến nghị, Chính phủ cần có cơ chế tài chính cho khâu nguyên liệu. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành dệt may cần tập trung đầu tư khâu tiêu thụ nội địa và xây dựng thương hiệu để có giá trị gia tăng cao tại các thị trường xuất khẩu. Ngành dệt may cũng cần có chương trình tái cơ cấu sản phẩm, nâng cao năng suất lao động thì mới giữ được thị trường, giữ được lao động.

Nội địa hoá thiết bị - Giải pháp quan trọng giảm nhập siêu

Tăng cường nội địa hoá thiết bị không chỉ là mục tiêu phấn đấu mà còn là nỗi băn khoăn lớn của các doanh nghiệp và các nhà quản lý. Bởi lẽ, hiện nay ngành cơ khí đã đáp ứng phần nào nhu cầu nội địa hoá nhưng chưa được như mong muốn vì tỷ trọng nhập siêu còn rất lớn do các doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được nhiều máy móc, thiết bị quan trọng. Theo Phó Thủ tướng, trong mục tiêu cân bằng nhập siêu vào năm 2020 có vai trò rất lớn của các gói thầu do doanh nghiệp trong nước đảm nhận. Hiện, ngành cơ khí tăng kim ngạch xuất khẩu từ 2 tỷ USD (năm 2006) lên 5,15 tỷ USD (năm 2010) đã thể hiện uy tín của sản phẩm. Tuy nhiên, trong khi phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm cơ khí nhập khẩu thì các doanh nghiệp cơ khí vẫn rất thiếu vốn, thiếu nhân lực thiết kế, chế tạo, các tổng công trình sư hoặc kỹ sư trưởng cho các dự án thiết bị toàn bộ. Để đạt mục tiêu phấn đấu năm 2015 đáp ứng 55-60% nhu cầu (trong đó xuất khẩu 30% giá trị sản lượng), các doanh nghiệp cơ khí cần quan tâm hơn tới chất lượng sản phẩm. Phó Thủ tướng chỉ đạo: Mặc dù khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước, nhưng phải thừa nhận yếu kém từ nội tại. Do vậy, thời gian tới, các tập đoàn kinh tế, các Tổng Cty, doanh nghiệp nhà nước cần xem lại từ phương pháp quản lý, điều hành đến việc đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động. Chỉ khi nào thay đổi được tư duy thị trường ngay trong khâu sản xuất thì các doanh nghiệp mới phát triển mà không cần chờ Nhà nước hỗ trợ.

Theo: Báo Công thương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com