Nghĩa Hưng tập trung phát triển ngành nghề

01:12, 19/12/2011

Năm 2011, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Nghĩa Hưng ước đạt 796 tỷ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ năm trước. Đạt được kết quả trên, huyện Nghĩa Hưng đã chú trọng phát triển sản xuất CN-TTCN tại các CCN, các làng nghề, duy trì nghề truyền thống và phát triển nghề mới.

Sản xuất hàng giầy da xuất khẩu tại Cty CP Cơ khí và Thương mại Nam Hà, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).
Sản xuất hàng giầy da xuất khẩu tại Cty CP Cơ khí và Thương mại Nam Hà,
CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).

Hiện nay, CCN Nghĩa Sơn có 7 doanh nghiệp hoạt động, các doanh nghiệp đều tập trung đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu là Cty CP Cơ khí và Thương mại Nam Hà vừa đầu tư hơn 8,6 tỷ đồng xây dựng xưởng may giầy da xuất khẩu rộng hơn 4.600m2. Mỗi tháng Cty xuất khẩu hơn 5.000 sản phẩm ra thị trường nước ngoài như Hồng Kông, Đức, Pháp..., tạo việc làm cho gần 800 lao động với mức thu nhập 2,5-2,7 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến năm 2012, Cty tiếp tục đầu tư xây mới hơn 1.300m2 nhà xưởng để mở rộng mặt hàng giầy da xuất khẩu. Cty còn sản xuất các mặt hàng tôn mỹ nghệ xuất khẩu từ tôn mỏng tráng kẽm và Inox chất lượng cao, kiểu dáng đẹp xuất đi các nước Pháp, Đức, Nhật, Mỹ; sản xuất kết cấu thép khung nhà xưởng, kho phục vụ các công trình thủy điện và xây dựng. Với việc đầu tư đúng hướng, doanh thu của Cty đạt 60-70 tỷ đồng/năm. Để thúc đẩy sản xuất CN-TTCN, huyện Nghĩa Hưng luôn chú trọng phát triển làng nghề, nghề truyền thống và du nhập nghề mới. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 5 làng nghề, gồm các nghề khâu nón lá, chiếu cói, mây tre đan, sản xuất miến, thu hút hơn 3.350 lao động. Nghề dệt chiếu và các sản phẩm làm từ cói trước đây tập trung chủ yếu ở các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Trung nay được nhân rộng ra các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phú… Các sản phẩm từ tre nứa, mây được sản xuất nhiều ở các xã Nghĩa Thái, Nghĩa Thịnh. Nón lá Nghĩa Châu có mẫu mã đẹp, bền được tiêu thụ rộng ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước và được xuất khẩu sang các nước Lào, Thái Lan, Campuchia... Nghề làm nón lá truyền thống ở xã Nghĩa Châu được mở rộng với hơn 1.500 hộ tham gia, thu nhập từ 30-40 nghìn đồng/người/ngày. Ngành sản xuất phương tiện vận tải thủy ổn định, với 13 doanh nghiệp đóng tàu tập trung chủ yếu ở xã Nghĩa Sơn. Dù gặp nhiều khó khăn trong thời điểm hiện tại nhưng các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, đóng các tàu có trọng tải vừa và nhỏ từ 200-400 tấn và thực hiện bảo dưỡng sửa chữa tàu. Sản xuất vật liệu xây dựng là thế mạnh của huyện, tập trung chủ yếu ở các xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Sơn, Nghĩa Trung, Nghĩa Minh… Trên địa bàn huyện có 5 doanh nghiệp sản xuất gạch Tuynel và nhiều cơ sở sản xuất gạch đất nung tạo việc làm cho hơn 500 lao động với thu nhập từ 1,8-2 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục đẩy mạnh phát triển CN-TTCN; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào CCN Nghĩa Sơn với nhiều ưu đãi; tạo điều kiện cho các hộ gia đình vay vốn đầu tư phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com