Nên thực hiện tái cấu trúc ngân hàng như thế nào?

08:12, 03/12/2011

Kể từ khi thực hiện chuyển đổi nền kinh tế (năm 1986) đến nay, ngành ngân hàng chịu tác động không nhỏ của quá trình cải cách kinh tế, và sự cải cách kinh tế đặt ra những yêu cầu bắt buộc hệ thống ngân hàng cũng phải có sự đổi mới tương thích để góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra từ năm 2008, tiếp đó là khủng hoảng nợ công (năm 2011), đã có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm bộc lộ những yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam, nó cho thấy mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 1990-2010 không còn phù hợp giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải có sự tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng đầu tư, tăng năng suất lao động... Do vậy, tái cấu trúc nền kinh tế đã được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong đó ba lĩnh vực trọng tâm cần tái cơ cấu là đầu tư; doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính, ngân hàng.

Giao dịch tại Ngân hàng Kỹ thương, Chi nhánh Nam Định. Ảnh: Hoàng long
Giao dịch tại Ngân hàng Kỹ thương, Chi nhánh Nam Định.
Ảnh: Hoàng Long

 

Những yếu kém của nền kinh tế, cùng với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng đã làm bộc lộ rõ những yếu kém nội tại của hệ thống ngân hàng cả ở tầm vĩ mô và vi mô: Sự biến động cao về lãi suất, tỷ giá, giá vàng, các giao dịch vốn trên thị trường tiền tệ kém thông suốt là những biểu hiện của sự yếu kém ở tầm vĩ mô. Bên cạnh đó, chất lượng đầu tư của các ngân hàng thương mại (NHTM), hiệu quả chưa cao, nợ xấu tiềm ẩn, phân bổ nguồn vốn chưa hợp lý; mức độ an toàn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều định chế tài chính có quy mô vốn nhỏ, năng lực quản trị ngân hàng, quản trị rủi ro và năng lực tài chính kém lành mạnh, khả năng cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương khi môi trường kinh doanh có biến động, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính ổn định của hệ thống. Quy mô vốn, tài sản của từng NHTM ở Việt Nam còn nhỏ so khu vực và thế giới, cơ cấu quy mô và phân bổ địa bàn chưa hợp lý, thiếu những ngân hàng lớn hoạt động mang tính toàn cầu, đồng thời cũng thiếu những ngân hàng có quy mô phù hợp để hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Tất cả những điều này đặt ra sự cần thiết phải tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

 Vậy việc tái cấu trúc ngân hàng nên thực hiện như thế nào?

Bài học kinh nghiệm của quốc tế cũng như Việt Nam qua hai lần tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, một lĩnh vực có ảnh hưởng sâu, rộng đến đời sống kinh tế - xã hội, cho thấy, việc tái cấu trúc ngân hàng phải được tiến hành một cách căn bản, triệt để, toàn diện và thận trọng với lộ trình thích hợp để bảo đảm quá trình tái cơ cấu không ảnh hưởng đến lợi ích của người gửi tiền, không gây ra những sự đổ vỡ của hệ thống, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, với chi phí thấp nhất. Đây là quan điểm cần được quán triệt trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng lần này.

Trên quan điểm đó, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không thể diễn ra ngày một ngày hai, mà nó phải là một quá trình, từng bước giải quyết những bất cập hiện nay của hệ thống ngân hàng, tạo dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển hệ thống ngân hàng trong tương lai. Theo đó, quá trình này cần chia thành hai giai đoạn lớn: Giai đoạn một từ năm 2011 đến năm 2015; Giai đoạn tiếp theo từ năm 2016 đến năm 2020.

Mục tiêu của giai đoạn một là củng cố và xử lý những yếu kém hiện tại, nâng cao một bước tính lành mạnh, năng lực tài chính, quản trị của các NHTM. Trong giai đoạn này, tái cơ cấu NHTM cần tập trung xử lý tốt vấn đề thanh khoản của hệ thống và của một số tổ chức tín dụng (TCTD); đánh giá phân loại sức khỏe của các TCTD theo từng nhóm để áp dụng những biện pháp tái cơ cấu thích hợp. Có thể tiến hành hợp nhất, sáp nhập, mua lại những ngân hàng yếu kém để tái cơ cấu vốn, cơ cấu lại nợ xấu, làm trong sạch bảng cân đối, qua đó tạo dựng nên những ngân hàng mạnh hơn về quy mô cũng như chất lượng tài sản.

Đối với các ngân hàng không nằm trong diện yếu kém phải sáp nhập, hợp nhất, hoặc mua lại cũng thực hiện những biện pháp cơ cấu lại vốn tự có, cơ cấu nợ xấu, cơ cấu lại nguồn vốn nhằm hạn chế, tiến tới loại bỏ sở hữu chéo, giảm bớt những mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Đây được xem như bước khởi đầu của quá trình củng cố, nâng cao năng lực quản trị ngân hàng, quản trị vốn của các NHTM.

 Bên cạnh đó, cũng cần tiến hành đổi mới cơ chế, chính sách của Ngân hàng nhà nước (NHNN), trước hết là để tạo những điều kiện pháp lý cần thiết cho quá trình tái cơ cấu các NHTM, tiếp đó là tạo dựng môi trường pháp lý bảo đảm cho hoạt động của các TCTD an toàn, hiệu quả. Cải thiện môi trường hoạt động của hệ thống ngân hàng, cụ thể: Tăng cường minh bạch thông tin hoạt động ngân hàng; sửa đổi chuẩn mực kế toán Việt Nam áp dụng cho ngành ngân hàng, theo hướng tiếp cận dần chuẩn mực kế toán quốc tế; thành lập Cty xếp hạng tín nhiệm; đẩy mạnh hoạt động của trung tâm thông tin tín dụng; hoàn thiện mô hình của bảo hiểm tiền gửi; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh toán; hoàn thiện các thị trường tiền tệ; nâng cao vai trò của các hiệp hội...

Giai đoạn hai từ năm 2016 đến năm 2020, mục tiêu của giai đoạn này là tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng và khả năng cạnh tranh, phát triển quy mô, phạm vi hoạt động của các TCTD phù hợp yêu cầu phát triển của nền kinh tế và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Trước khi áp dụng những giải pháp để đạt được mục tiêu trên, cần đánh giá kết quả của giai đoạn một. Nếu giai đoạn một đạt được mục tiêu đề ra, sẽ tiếp tục thực hiện một cách triệt để các giải pháp chiến lược phát triển ngành ngân hàng giai đoạn 2011-2020, nhất là giải pháp nâng cao năng lực thanh tra, giám sát của NHNN đối với các tổ chức tín dụng, đổi mới căn bản khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ, phát triển hạ tầng tài chính và các biện pháp hỗ trợ khác để mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Đưa ra các chính sách điều chỉnh, khuyến khích mở rộng chi nhánh về địa bàn nông thôn, các khu vực chưa có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Khuyến khích các ngân hàng lớn mở rộng hoạt động trên địa bàn quốc tế; từng bước thay đổi văn hóa kinh doanh ngân hàng của các NHTM. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động ngân hàng; từng bước bắt kịp với xu hướng thế giới trong lĩnh vực công nghệ ngân hàng.

Có thể nói, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng lúc này là một tất yếu, một cơ hội để phát triển hệ thống ngân hàng, sao cho đến năm 2020 Việt Nam có được hệ thống các TCTD hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp thông lệ và chuẩn mực quốc tế, hoạt động an toàn, hiệu quả, vững chắc, có năng lực cạnh tranh, với cấu trúc đa dạng về hình thức sở hữu, đa dạng về dịch vụ tài chính, ngân hàng. Quy mô ngang tầm với mức trung bình của khu vực và phạm vi hoạt động xuyên quốc gia. Hệ thống các TCTD sẽ bao gồm các ngân hàng lớn đóng vai trò trụ cột trong hệ thống, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và có những ngân hàng vừa và nhỏ, TCTD phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ ngân hàng của mọi tầng lớp xã hội./.

Theo: nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com