Nam Điền dồn điền đổi thửa, tạo lập vùng sản xuất chuyên canh

10:12, 14/12/2011

Là địa phương 3 mặt giáp biển, "cuối nguồn nước tưới, đầu nguồn nước mặn" nên việc giải quyết tình trạng mặn, hạn là định hướng số một của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) trong việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung, bền vững.

Ban Chỉ đạo dồn điền đổi thửa xã Nam Điền thông qua phương án trên bản đồ giải thửa.
Ban Chỉ đạo dồn điền đổi thửa xã Nam Điền thông qua
phương án trên bản đồ giải thửa.

Những năm gần đây sản xuất vụ lúa xuân ở xã Nam Điền rất khó khăn, phải cấy đi cấy lại 2-3 lần vì mặn bốc lên làm chết lúa. Vụ lúa xuân năm 2011, trong khi hầu hết các xã ven biển của tỉnh không có diện tích cấy lúa bị nhiễm mặn nặng, thì ở Nam Điền vẫn có diện tích lúa chết do bị nhiễm mặn. Ở vụ lúa mùa, do thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu và tập quán canh tác cấy muộn… làm sâu, rầy cuối vụ phá hoại nên năng suất lúa thấp, thậm chí có diện tích không cho thu hoạch. Bài toán phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững là nỗi trăn trở hàng chục năm nay của xã Nam Điền và huyện Nghĩa Hưng. Tuy sản xuất lúa gặp khó khăn nhưng Nam Điền có thế mạnh trong nuôi thủy sản và phát triển chăn nuôi. Các mô hình phát triển nuôi thủy sản được xây dựng cho hiệu quả kinh tế cao. Vùng nuôi thủy sản mặn lợ với chủ lực là con cá bống bớp và tôm thẻ chân trắng đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Riêng việc phát triển các đầm nuôi tôm thẻ chân trắng với phương pháp an toàn sinh học hiệu quả đạt 500-1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp hàng chục lần so với cấy lúa. Vùng nuôi thủy sản nước ngọt, ngoài nuôi cá truyền thống, nhiều hộ như gia đình anh Trịnh Xuân Năm ở xóm 3 đưa cá trắm đen về nuôi thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Do là vùng đất mới nên khu dân cư ở thưa; ruộng, vườn gắn với nơi ở, đây chính là thế mạnh phát triển trang trại tổng hợp: Trồng màu, nuôi thuỷ sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm… hiệu quả gấp 5-6 lần cấy lúa. Từ thực tế của địa phương, UBND xã lập quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và đã được UBND huyện Nghĩa Hưng phê duyệt quy hoạch này ngay trong tháng 3-2011. Theo đó, xã Nam Điền phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bố trí chuyển đổi toàn bộ diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản và trồng màu với hình thức tổ chức sản xuất hợp lý và có hiệu quả cao hơn, phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng đất mặn ven biển. Quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2020, diện tích chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với trồng màu là gần 269ha và diện tích trang trại tổng hợp gần 7ha, để sản lượng thuỷ sản mỗi năm đạt 1.500 tấn. Tổ chức chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại với đàn lợn 1.300 con, đàn gia cầm 13 nghìn con và 130 con trâu bò; giá trị sản xuất 1ha đạt 80 triệu đồng/năm. Để thực hiện chuyển đổi, hệ thống giao thông nội đồng được quy hoạch nâng cấp và xây dựng mới các trục chính với tổng chiều dài 17,9km, rộng 5,5m và cứng hoá để cơ giới hoá trong sản xuất. Hệ thống thuỷ lợi cũng được cải tạo và xây mới với 10 cống chính; 6 kênh cấp I tưới, tiêu nước riêng biệt với tổng chiều dài 14,4km; tổng chiều dài các kênh cấp II là 15,71km và tổng chiều dài kênh cấp III là trên 28km. Xây thêm 1 trạm bơm mới để thành 2 trạm đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu nước. Tổng mức vốn đầu tư trên 64 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn; giai đoạn 2011-2015 là gần 41 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 23 tỷ đồng. Thực hiện chuyển đổi theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 đã được UBND huyện phê duyệt, xã Nam Điền xác định lấy việc DĐĐT để làm khâu đột phá và thực hiện xong ngay trong năm 2011 được UBND huyện cho làm điểm đợt đầu cùng với 8 đơn vị xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 của huyện. Với 6 bước thực hiện từ tháng 9-2011, phấn đấu đến ngày 10-12-2011 hoàn thành việc đo, giao đất tại thực địa cho từng hộ. Do tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nên việc DĐĐT được nhân dân đồng tình cao. Ngày họp dân để đóng góp vào đề án DĐĐT của xã, có 90% hộ dân đi họp, 100% các hộ nhất trí DĐĐT ngay trong năm 2011 và thống nhất với phương án dồn đổi của xã. Các hộ có ruộng ở vùng chuyển dịch sang trồng màu và nuôi trồng thuỷ sản sẵn sàng hiến đất xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng. Một số hộ không có nhu cầu sử dụng đất cũng sẵn sàng chuyển nhượng lại cho các hộ khác… Sau DĐĐT đợt 1 năm 2003, bình quân ở xã Nam Điền mỗi hộ 1,1 mảnh nay đưa về 1 mảnh. Do đặc điểm vùng xây dựng trang trại tổng hợp để tiện canh tiện cư không manh mún, sử dụng tốt ruộng xen trong dân được xã khuyến khích mô hình này nên không đề ra việc hiến đất. Riêng vùng chuyển đổi sang nuôi thủy sản kết hợp với trồng màu 269ha, nhân dân nhất trí với đề án của xã mỗi sào đất hiến 25m2 để xây dựng hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng. Đặc biệt trong đợt DĐĐT này, hộ không có nhu cầu sử dụng đất đã được chính quyền cho phép chuyển nhượng cho những hộ có điều kiện tích tụ ruộng để tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, tạo ra sản xuất hàng hóa lớn, đẩy mạnh sản xuất vụ đông. HTXNN dịch vụ của xã cũng có các phương án để cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và đang xúc tiến liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ xã viên.

DĐĐT để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả với xây dựng thành các vùng chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa để khắc phục những khó khăn, phát huy thế mạnh thành công ở Nam Điền thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao./.

Bài và ảnh: Tuấn Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com