Khó khăn trong phát triển ngành nghề nông thôn

01:12, 19/12/2011

Hiện nay, toàn tỉnh có 89 làng nghề, trong đó có 28 làng nghề truyền thống và 305 cơ sở sản xuất ở các làng nghề, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 130 nghìn lao động, chiếm 13,7% tổng số lao động trong các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, sản xuất của các ngành nghề nông thôn hiện chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Giá trị thu nhập bình quân của lao động trong các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh ngành nghề khu vực nông thôn chỉ đạt trên 1 triệu đồng/người/tháng, quá thấp so với mặt bằng chung cũng như giá các nhu phẩm thiết yếu ngày một tăng cao.

Sản xuất sản phẩm mây tre đan xuất khẩu tại Cty TNHH Hội An, Thị trấn Lâm (Ý Yên).
Sản xuất sản phẩm mây tre đan xuất khẩu tại Cty TNHH Hội An,
Thị trấn Lâm (Ý Yên).

Tại huyện Vụ Bản, thời gian qua một số xã đã nỗ lực gây dựng nhiều nghề mới như đan thảm, móc sợi, khâu bóng… Tuy nhiên các hộ sản xuất chỉ duy trì hoạt động của nghề được vài năm thì rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, có nghề còn bị ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, hầu hết các nghề truyền thống cũng đều không tạo được sức phát triển mới trong nhiều năm gần đây; nhiều làng nghề chỉ hoạt động cầm chừng. Làng nghề truyền thống tranh tre nứa ghép, sơn mài xã Liên Minh năm 2008 đã phát triển với 90% người dân trong làng tham gia sản xuất các sản phẩm xuất khẩu. Đời sống của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế thế giới và những bất ổn của kinh tế trong nước, nghề tranh tre nứa ghép, sơn mài hiện đang rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ, mất dần thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thu nhập từ làm nghề không đủ để bảo đảm cuộc sống, một lượng lớn lao động trẻ bỏ nghề để đi làm ăn xa hoặc kiếm kế sinh nhai bằng các nghề khác. Đến nay, toàn xã chỉ còn hai đơn vị duy trì hoạt động sản xuất của nghề truyền thống nhưng sản xuất cũng chỉ cầm chừng. Số lượng nhân công làm nghề trong xã cũng chưa đủ 100 người, thu nhập của người lao động bình quân chỉ đạt 1 triệu đồng/người/tháng. Ở làng nghề cơ khí Trung Thành (Vụ Bản), hiện nay toàn xã chỉ còn 24 cơ sở sản xuất, các mặt hàng chủ yếu vẫn là các vật dụng sinh hoạt nhỏ như dao, kéo, búa, dũa, nông cụ… Tại huyện Xuân Trường, trong những năm gần đây hầu hết doanh nghiệp sản xuất trong làng nghề, rất ít doanh nghiệp có khả năng chủ động về thị trường cũng như về chất lượng sản phẩm. Làng nghề cơ khí Xuân Tiến là đơn vị điển hình của huyện, với sản phẩm máy tuốt lúa, máy trộn bê tông, nhưng đến nay đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm cùng loại của một số cơ sở trong nước. Tại huyện Nghĩa Hưng, mặc dù từ nhiều năm nay đã luôn chú trọng phát triển làng nghề, nghề truyền thống và du nhập nghề mới nhưng hiện chỉ có một số ngành nghề cũ như dệt may, dệt chiếu, nón lá, làm miến dong… là có thể đứng vững trên thị trường. Các ngành nghề này cũng không thể mở rộng quy mô sản xuất ngay tại làng nghề cũng như phủ nghề sang các xã lân cận như dự tính ban đầu của lãnh đạo địa phương. Tại huyện Hải Hậu, vào những năm 2007, 2008, nhiều xã đã tích cực tham gia chương trình khôi phục nghề dệt khăn xuất khẩu truyền thống và giai đoạn đầu cũng đã nhanh chóng đạt kết quả khả thi tại các xã: Hải Trung, Hải Bắc, Hải Phúc, Hải Phương, Hải Quang. Tuy nhiên cũng chỉ sau một thời gian ngắn, nghề dệt khăn xuất khẩu của huyện Hải Hậu lại dần bị thu hẹp và hiện cũng đang khó có cơ hội phát triển…

Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc duy trì, nhân rộng và phát triển các ngành nghề truyền thống cũng như nghề mới ở nông thôn gặp khó khăn. Trong đó, tại hầu hết các địa phương đều có cùng nguyên nhân chủ yếu như thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất, chủ yếu chỉ làm gia công; nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm của các ngành nghề mới chưa ổn định làm cho các cơ sở sản xuất nhỏ ít vốn càng không có khả năng trụ vững ngay khi gặp những khó khăn ban đầu. Khi hoạt động sản xuất không có lãi như dự tính ban đầu, chủ sử dụng lao động thường hạ mức lương của người lao động vì vậy các ngành nghề ở nông thôn thường không thể giữ người lao động gắn bó lâu dài với nghề. Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nghề nông thôn, các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất ở nông thôn. Do các đơn vị sản xuất không có tài sản có giá trị lớn để thế chấp nên số tiền được vay ít, không đủ sử dụng làm vốn sản xuất, kinh doanh. Mặc dù đã có chính sách hỗ trợ mức vay với lãi suất thấp nhưng số tiền được vay quá ít, thời gian đáo hạn lại ngắn nên không khả thi khi đầu tư vào sản xuất, nhất là trong lúc sản xuất lại đang khó khăn nên ít hộ muốn vay. Các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu, điều chỉnh mức lãi suất phù hợp với từng đối tượng, không nên đánh đồng giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân vì khi áp dụng chung một mức lãi suất thì các doanh nghiệp lớn sẽ được lợi, còn các doanh nghiệp nhỏ lẻ và cá nhân càng khó tiếp cận vốn. Việc tìm thị trường cho sản phẩm cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và người dân; trong đó, chính quyền phải quan tâm thu hút và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư và phát triển làng nghề. Các doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm cùng với chính quyền và người dân tập trung tìm kiếm thị trường, nghiên cứu sản xuất hàng hóa theo hướng đa dạng về mẫu mã và đạt chất lượng cao. Người lao động cũng phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc phát triển kinh tế của địa phương, từng bước chia sẻ, đóng góp trí tuệ, sức lực của mình cùng các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn để được đáp trả các giá trị tương xứng mà mình góp cùng doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com