Hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 11/NQ-CP

12:12, 11/12/2011

Năm 2011, tỉnh ta đã đạt kết quả cao trong thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, UBND tỉnh đã có Kế hoạch 07/KH-UBND ngày 9-3-2011 chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Về chính sách tiền tệ, theo thống kê của NHNN tỉnh, tính đến hết quý III, tổng nguồn vốn huy động của 15 ngân hàng, cơ sở tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 13.471 tỷ đồng, tăng 17,9% so với đầu năm và đạt chỉ tiêu tiến độ so với tổng mức huy động vốn được giao của các đơn vị này đến hết năm 2011 là 15.464 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 17.471 tỷ đồng, tăng 8,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 8.556 tỷ đồng, tăng trên 14,7% so với đầu năm và đạt tỷ trọng 49% trong tổng dư nợ trong khi dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất chỉ còn 1.594 tỷ đồng, giảm tới 525 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 300 tỷ đồng, chiếm 1,65%. Đặc biệt, dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong mục tiêu an sinh xã hội đạt 1.865 tỷ đồng, tăng 134 tỷ đồng so với đầu năm. Đến ngày 25-11-2011, việc thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát đã phát huy hiệu quả tích cực. Tổng vốn huy động trên địa bàn đạt 12.500 tỷ đồng. Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 18.040 tỷ đồng, trong đó cho vay phi sản xuất đã xuống tới 1.574 tỷ đồng, chỉ còn tỷ trọng 10,89%. Nợ xấu xuống đến 326 tỷ đồng, bằng 1,81% tổng dư nợ…

Thực hiện nghiêm túc các giải pháp tiền tệ - tín dụng của Nghị quyết 11, Ngân hàng NN và PTNT tỉnh đã đưa lãi suất cho vay từ trên 20%/năm xuống 17,5%/năm vào cuối năm 2011.
Thực hiện nghiêm túc các giải pháp tiền tệ - tín dụng của Nghị quyết 11,
Ngân hàng NN và PTNT tỉnh đã đưa lãi suất cho vay từ trên 20%/năm
xuống 17,5%/năm vào cuối năm 2011.

Các giải pháp khác về tiết kiệm chi phí, cắt giảm đầu tư công và bảo đảm an sinh xã hội cũng được tỉnh ta thực hiện hiệu quả. Cùng với việc giao dự toán ngay đầu năm đã cắt giảm 10% chi, đến tháng 3-2011, sau khi Nghị quyết 11 được ban hành, tỉnh quyết định 10 huyện, thành phố và 40 sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh tiếp tục tiết kiệm thêm 10% chi phí trong 9 tháng còn lại, nâng tổng số chi phí tiết kiệm chi tiêu của toàn tỉnh trong năm 2011 lên 18%. Kết quả kiểm tra của UBND tỉnh cho thấy, các ngành, địa phương đều thực hiện tốt công tác tiết kiệm chi tiêu và việc tiết kiệm chi tiêu, không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Hai đơn vị có số tiết kiệm chi phí cao nhất tỉnh là ngành Y tế (trên 11 tỷ đồng) và ngành GD và ĐT (trên 8 tỷ đồng) đều đã có kế hoạch cụ thể về các khoản tiết kiệm chi tiêu, đạt mức tiết kiệm chi tiêu đề ra nhưng hiệu quả công tác 9 tháng đầu năm vẫn đạt kết quả cao. Trong năm 2011, tỉnh đã tiết kiệm chi tiêu thường xuyên lên tới 337 tỷ đồng, chuyển nguồn kinh phí này sang đầu tư cho các lĩnh vực thiết thực khác. Đối với lĩnh vực cắt giảm đầu tư công, ngay trong các tháng đầu quý II, UBND tỉnh đã quyết định tạm đình hoãn đối với 7 công trình đã bố trí vốn đầu tư mới trong kế hoạch năm 2011 nhưng chưa khởi công với tổng nguồn vốn là 5 tỷ đồng gồm Thư viện huyện Hải Hậu (300 triệu đồng), trụ sở Sở VH, TT và DL (300 triệu đồng), trụ sở Thanh tra tỉnh (300 triệu đồng), Ban CHQS Thành phố Nam Định (300 triệu đồng), Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Mỹ Lộc (300 triệu đồng), đường trục Nam Tiến - Nam Thái (500 triệu đồng), đường 486 (3 tỷ đồng). Các tháng cuối năm, UBND tỉnh quyết định cắt giảm, đình hoãn thêm 7 công trình, đưa tổng số các công trình thuộc diện này lên 13 với tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng để điều chuyển vốn cho các công trình cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ. Về bảo đảm an sinh xã hội cũng đã có những kết quả thiết thực. Toàn tỉnh đến cuối năm 2011 đã đưa thêm 19 nghìn người vào diện đối tượng được hưởng trợ cấp thường xuyên, hỗ trợ, bố trí nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng cho vay ưu đãi với người nghèo, người khó khăn trong tỉnh…  

Từ những kết quả trên, ước tính năm 2011, chỉ số CPI tại tỉnh ta chỉ ở mức 17,5%, thấp hơn bình quân toàn quốc (trên 18%). Thời gian tới, công tác thực hiện Nghị quyết 11 sẽ được tiếp tục duy trì, vì vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với tỉnh ta cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp. Theo phân tích chuyên môn, vai trò quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của ngành ngân hàng trong thực hiện các giải pháp về tín dụng, tiền tệ. Trong đó vấn đề trọng tâm là tìm cách “hạ nhiệt” lãi suất. Thực tế cho thấy, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tỉnh phụ thuộc rất nhiều vào chỉ số lãi suất ngân hàng vì cho đến nay đang có 1.523 doanh nghiệp (bằng 46,5% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh) đang vay vốn ngân hàng với tổng dư nợ là 8.400 tỷ đồng. Biện pháp trọng tâm để giảm lãi suất cho vay của ngân hàng chính là hạ lãi suất huy động. Đồng chí Hoàng Trọng Đạt, Phó Giám đốc NHNN tỉnh khẳng định: “Lãi suất vốn huy động của 15 ngân hàng, cơ sở tín dụng trên địa bàn tỉnh đều thực hiện đúng ở mức 14%/năm theo quy định của NHNN Việt Nam, lãi suất cho vay có xu hướng giảm, hiện nay cơ bản ở mức khoảng 18%/năm”. Có được kết quả đó là do NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về chấn chỉnh huy động lãi suất huy động sai quy định, trong đó đưa ra các biện pháp mạnh, kiên quyết đình chỉ, cách chức người quản lý, điều hành và đình chỉ, hạn chế hoạt động của đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với ngành ngân hàng cần có những biện pháp phụ trợ để giải pháp tiền tệ được triển khai đúng quỹ đạo và đem lại kết quả cao nhất cho nền kinh tế. Nhà nước cũng cần có sự điều hòa hợp lý để cân bằng quyền lợi giữa nhóm ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần vì nếu cùng ở mức huy động như nhau, lợi thế hiện nay thuộc vào ngân hàng có vốn hỗ trợ nhà nước. Bên cạnh đó, cần có các chính sách để kêu gọi người dân tham gia gửi vốn vào ngân hàng như một trách nhiệm với đất nước trong thời điểm khó khăn vì hiện nay, chỉ số CPI tăng tới gần 18%, mục tiêu của Chính phủ trong năm là CPI ở mức 18%. Nếu lãi suất chỉ 14%/năm thì gửi tiền hiện nay lỗ ít nhất 4%, người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng mà dùng tiền đầu tư vào kênh khác. Các ngân hàng trong tỉnh kiến nghị UBND tỉnh, NHNN tỉnh hỗ trợ, có kiến nghị với hội sở chính của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh hạ mức chỉ tiêu huy động vốn năm 2012. Với chỉ tiêu quá cao như trong năm 2011, để hoàn thành nhiệm vụ, khó tránh khỏi việc các ngân hàng phải lách luật, tăng trần huy động vốn để hoàn thành chỉ tiêu. Lãnh đạo một ngân hàng trong tỉnh cho biết: “Nếu tăng lãi suất vượt quy định để tăng vốn huy động thì khả năng bị phát hiện, xử lý là 50/50. Nhưng nếu không hoàn thành nhiệm vụ của hội sở chính giao thì khả năng bị xử lý lên tới trên 90%”. Đồng chí Đinh Thị Ngọc Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đông Á tại Nam Định cho biết: “Chúng tôi đã tuân thủ tuyệt đối quy định về lãi suất huy động. Nhưng hiện nay vốn huy động của chi nhánh không tăng mà đang có xu hướng tụt giảm. Mối lo lớn nhất của chúng tôi trong năm 2012 là làm sao hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn. Để các ngân hàng yên tâm thực hiện quy định này, đề nghị tỉnh có kiến nghị với hội sở chính các ngân hàng hạ chỉ tiêu huy động vốn!”./.

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com