Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Hải Hậu kiểm tra sâu bệnh trên cây cải dầu. |
Những năm gần đây, cây cải dầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Hải Hậu. Với ưu thế khung thời vụ gieo trồng rộng, năng suất ổn định, chi phí giống, vật tư, phân bón thấp so với các cây trồng khác nhưng hiệu quả kinh tế cao; đầu ra cho sản phẩm thuận lợi…, cây cải dầu đã được nhiều địa phương trong huyện xác định đây là cây trồng chính trong vụ đông trên chân đất hai vụ lúa. Từ 70ha ban đầu, đến nay toàn huyện đã trồng gần 200ha, chủ yếu ở các HTX Hải Tân, Hải Tây, Hải Cường, Thị trấn Cồn… Tuy nhiên, qua nhiều vụ gieo trồng, cây cải dầu đã bị thoái hóa giống ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt cải. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời đưa cây cải dầu trở thành cây trồng chủ lực, phát triển bền vững trong cơ cấu cây trồng vụ đông của huyện, Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức nhân giống và xây dựng mô hình sản xuất cây cải dầu trên đất hai vụ lúa. Trạm phối hợp với các xã, thị trấn quy hoạch vùng sản xuất, điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ đông, tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý, chỉ đạo sản xuất cho Ban nông nghiệp, Ban quản trị HTX và đội trưởng đội sản xuất; tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cuối vụ cho xã viên các HTX tham gia dự án. Trạm Khuyến nông huyện và các HTX tổ chức cung ứng giống, vật tư, phân bón cho các hộ xã viên, xây dựng biện pháp tưới tiêu nước, phòng chống ngập úng đầu vụ và hạn hán cuối vụ…, đảm bảo điều kiện cho phát triển sản xuất. Ngoài ra, Trạm Khuyến nông huyện nghiên cứu, khảo sát, chọn 2 giống cải xanh và cải vàng phù hợp với chất đất và tập quán thâm canh của nông dân trong huyện, tổ chức nhân giống trên diện tích 2ha để chọn ra dòng cải thuần cung cấp cho xã viên. Ngay trong vụ đầu, năng suất cải dầu làm giống đạt 8,5 tạ/ha, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của các hộ dân. Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với các xã Hải Sơn, Hải Tân, Hải Lộc quy hoạch 90ha sản xuất cải dầu cách ly với các giống khác. Cán bộ kỹ thuật của trạm còn hướng dẫn các hộ xã viên loại bỏ cây lẫn, cây phân ly để đảm bảo giống cải dầu thuần, kết hợp với kỹ thuật gieo trồng, bón phân, bấm tỉa cho từng giống và thu hoạch đúng thời điểm, bảo quản công nghệ kín để nâng cao chất lượng giống, chất lượng sản phẩm. Bằng những giải pháp hỗ trợ đồng bộ từ kỹ thuật gieo trồng đến chất lượng hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu nên cây cải dầu sinh trưởng, phát triển tốt, đáp ứng chỉ tiêu hàm lượng tinh dầu, năng suất ước đạt 970 kg/ha, thu nhập ước đạt 34 triệu đồng/ha. Đồng chí Lê Thanh Hoài, chủ nhiệm HTXNN Hải Tân cho biết: Vụ đông 2011, xã Hải Tân đã vận động nông dân mở rộng diện tích cây cải dầu lên 40ha, trong đó 6 đội sản xuất gieo trồng được trên 60% diện tích, đội sản xuất số 6 gieo trồng 100% diện tích cây cải dầu trên đất 2 vụ lúa. Nhiều gia đình thuê đất để trồng cây cải dầu, như hộ các ông Trịnh Văn Quynh, Trịnh Văn Đông… Hộ ông Trịnh Văn Giang, xóm 6 đã trồng cây cải dầu trên toàn bộ 8 sào đất của nhà và 3 sào thuê. Ông Giang cho biết: Cây cải dầu không khắt khe về thời vụ, chi phí sản xuất thấp, thị trường tiêu thụ lớn, ổn định, thích nghi với mọi cốt đất và thu hoạch theo đúng quy trình để đảm bảo năng suất, chất lượng.
Thành công từ dự án nhân giống và xây dựng mô hình sản xuất cây cải dầu trên đất hai vụ lúa đã giúp người dân Hải Hậu chủ động được nguồn giống; nắm chắc quy trình kỹ thuật thâm canh, nâng cao thu nhập, mở rộng diện tích canh tác, hình thành chuỗi liên kết Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà khoa học và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Phát huy tính ưu việt của cây cải dầu trên đồng đất địa phương, huyện Hải Hậu phấn đấu đến năm 2015 trồng 568ha cây cải dầu, với thu nhập bình quân 22-33 triệu đồng/ha, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương