Thực hiện sản xuất nông nghiệp hàng hoá, những năm qua xã Giao Hà (Giao Thủy) đã tập trung quy hoạch, tạo điều kiện cho các hộ dân thuê đất xây dựng trang trại, gia trại tổng hợp. Hiện tại, xã có 5 trang trại và hơn 100 gia trại nuôi lợn và nuôi cá truyền thống. Điển hình như hộ các ông: Nguyễn Văn Sáng, Tô Định, Tô Bắc... thu nhập từ nuôi lợn và nuôi cá hàng trăm triệu đồng/năm. Đầu tháng 6-2010, anh Nguyễn Văn Sáng ở xóm 6 đã đấu thầu 2,6ha đất của xã và đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng để xây dựng trang trại nuôi cá vược, cá diêu hồng và các loại cá truyền thống như trắm, chép, trôi, mè… Đến nay, gia đình anh đã có 6 ao nuôi, trong đó có 3 ao nuôi cá trắm đen, 1 ao nuôi cá vược, 1 ao nuôi cá chép và 1 ao nuôi các loại cá giống. Anh Sáng cho biết, năm nay gia đình anh đã tập trung đầu tư vào nuôi cá trắm đen bởi đây là loại cá dễ nuôi, lớn nhanh, chống chịu rét tốt, đặc biệt giá bán và thị trường tiêu thụ khá ổn định. Hiện tại, giá cá trắm đen 110-120 nghìn đồng/kg. Năm nay, dự kiến năng suất trung bình ước đạt 10 tấn/ha. Trừ chi phí, gia đình anh thu lãi từ 200-250 triệu đồng/năm. Đầu tháng 5-2011, anh Sáng chuyển đổi 0,4ha nuôi cá diêu hồng sang nuôi cá vược. Hiện tại, cá vược đều nặng từ 2,5-3kg/con, giá bán từ 130-150 nghìn đồng/kg. Dự kiến cá vược được bán vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, trừ chi phí sản xuất, gia đình anh sẽ thu lãi khoảng 70 nghìn đồng/kg. Thời gian tới, anh tiếp tục mở rộng trang trại nuôi cá lên 6ha.
Mỗi năm gia đình anh Bùi Văn Tứ ở xóm 9, xã Giao Hà (Giao Thủy) thu lãi từ 200-400 triệu đồng từ chăn nuôi lợn thịt. |
Mô hình gia trại nuôi lợn của anh Bùi Văn Tứ ở xóm 9 cũng đạt hiệu quả kinh tế cao, thu lãi từ 200-400 triệu đồng/năm. Cuối năm 2007, anh Tứ đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi 14 con lợn nái. Tuy nhiên, đợt dịch tai xanh năm 2008 đã khiến đàn lợn nái của anh chết gần hết. Anh tiếp tục vay ngân hàng hơn 120 triệu đồng chuyển sang nuôi 100 con lợn thịt. Để có thêm kinh nghiệm trong chăn nuôi, tháng 9-2010 anh đã tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện tổ chức. Sau 3 tháng học nghề, anh đã nắm vững kiến thức cơ bản về nuôi lợn và nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn. Đến nay đàn lợn nhà anh có 400 con, trong đó có khoảng 200 con lợn giống, tổng diện tích chuồng trại trên 500m2. Anh Tứ cho biết: “Đến tháng 8-2011, gia đình tôi đã xuất được hơn 30 tấn lợn thịt; dự kiến đến cuối năm, sẽ xuất thêm khoảng 20 tấn lợn hơi nữa”. Không chỉ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi, anh còn cải tiến dây chuyền đưa thức ăn tới tận các ô chuồng bằng đường ống nhựa tổng hợp dẫn từ bể chứa thức ăn cám tổng hợp bên ngoài giúp tiết kiệm chi phí công và đạt năng suất cao nên chỉ cần 2 người là đảm nhiệm nuôi được hơn 400 con lợn thịt và lợn giống. Ngoài dây chuyền thức ăn, anh còn xây dựng 2 hầm biogas 21m3 để xử lý nguồn chất thải, tạo khí đốt phục vụ sinh hoạt và sưởi ấm cho lợn giống, đồng thời tạo thêm nguồn phân vô cơ để bón cho 3 sào ruộng cấy 2 vụ lúa và trồng ngô Bioseed trong vụ đông. Sắp tới, anh dự định sẽ đấu thầu thêm 5 mẫu đất ruộng để mở rộng chuồng trại, phát triển ao nuôi cá truyền thống.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, xã Giao Hà đã tiến hành quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung rộng 41,2ha ở xóm 6 để tách các trang trại, gia trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT huyện để đầu tư mở rộng chuồng trại. Ngoài ra, xã còn thường xuyên tổ chức lớp tập huấn về chăn nuôi, cử cán bộ tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm tại các hộ dân, hỗ trợ một phần kinh phí làm thủy lợi, xây cống... tạo điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững./.
Bài và ảnh: Trần Đức Toàn