Anh Nguyễn Văn Khánh ở xóm Hợp Thành áp dụng kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến, sau khi trừ chi phí mỗi năm còn thu 200 triệu đồng. |
Xã Hải Đông (Hải Hậu) nằm giáp biển, có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, thuận lợi cho việc cấy lúa, sản xuất muối và nuôi thủy sản. Xã quy hoạch vùng cấy 2 vụ lúa + 1 vụ màu với diện tích gần 110ha. Vụ xuân và vụ mùa xã đã xác định cơ cấu giống lúa phù hợp như BC15, Thiên ưu 1025, Bắc thơm số 7, tám nếp đặc sản… Năng suất lúa vụ xuân thường đạt 73 tạ/ha, vụ mùa đạt trên 55 tạ/ha. Cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa của xã đạt trên 35ha, chiếm 13% diện tích gieo cấy. Các loại cây vụ đông chủ yếu là cà chua, bí xanh, rau màu các loại, tập trung ở các xóm Tây Cát, Hải Điền, Nam Chân, Trung Đồng. Những năm gần đây, phong trào trồng cây cảnh phát triển mạnh ở Hải Đông. Nhiều hộ cải tạo vườn tạp, chọn các giống cây cảnh phù hợp chất đất đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Hộ các ông Nguyễn Văn Thơ, Nguyễn Văn Thiệu xóm Tây Cát; Vũ Văn Thanh xóm Nam Chân; Bùi Minh Chuân xóm Hải Điền có vườn cây cảnh trị giá hàng trăm triệu đồng. Tổng diện tích trồng cây cảnh của xã ước đạt trên 32ha. Vùng nuôi thủy sản tập trung rộng trên 16ha, hiện có 40 hộ đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng và đạt hiệu quả cao. Hộ anh Nguyễn Tuấn Anh xóm Nam Giang có diện tích ao đầm rộng trên 1ha. Năm 2010, anh chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, thả 2 vụ trong năm. Vụ đầu từ tháng 4 đến tháng 7, vụ sau từ tháng 8 đến tháng 10. Tôm thẻ chân trắng có giá 120 nghìn - 150 nghìn đồng/kg, sau 2 vụ nuôi giá trị đạt khoảng 800 triệu đồng. Hộ anh Nguyễn Văn Khánh, xóm Hợp Thành có 2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng rộng trên 2.000m2. Anh Khánh đã đầu tư trên 200 triệu đồng xây dựng ao nuôi, mua sắm các thiết bị chuyên dùng và mua giống từ Cty Việt Úc và Cty CP ở Bình Thuận nên chất lượng con giống bảo đảm sạch bệnh. Ngoài áp dụng các phương pháp, kỹ thuật nuôi tiên tiến, anh Khánh còn thường xuyên tham gia các hội thảo về kỹ thuật nuôi tôm và tham quan những mô hình nuôi tôm giỏi ở Hải Lý (Hải Hậu), Giao Phong (Giao Thủy)…, trừ chi phí mỗi năm anh Khánh thu lãi gần 200 triệu đồng. Hộ các anh Nguyễn Cường, Nguyễn Phong có diện tích từ 1-3ha nuôi tôm thẻ chân trắng cũng cho thu nhập cao. Vùng nuôi cá truyền thống ở Hải Đông có tổng diện tích khoảng 35ha, chủ yếu nuôi cá chim trắng, cá diêu hồng, mỗi năm thu trên 265 tấn cá, giá trị đạt trên 3,1 tỷ đồng. Hộ anh Nguyễn Văn Khuynh xóm Tây Cát có diện tích ao gần 2ha, nuôi các loại cá truyền thống, mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng. Xã quy hoạch vùng trang trại rộng gần 23ha, với nhiều mô hình trang trại tổng hợp như: Trang trại của ông Nguyễn Văn Luật có diện tích gần 2ha nuôi cá, gia cầm và lợn, mỗi năm thu lãi 250 triệu đồng. Trang trại của ông Nguyễn Văn Uẩn xóm Tây Cát có diện tích rộng trên 1,5ha, nuôi 7.000 con gà thịt và 5.000 con gà đẻ theo mô hình an toàn sinh học, mỗi ngày ông Uẩn thu trên 4.000 quả trứng, bán cho các đại lý trong và ngoài tỉnh. Để mở rộng diện tích nuôi thủy sản, xã sẽ chuyển thêm 13ha vùng cấy lúa, sản xuất muối năng suất thấp sang nuôi thủy sản. Mặc dù, những năm gần đây nghề sản xuất muối cho thu nhập không cao nhưng xã Hải Đông vẫn duy trì trên 40ha. Xã tạo thuận lợi cho các hộ cải tạo hệ thống dẫn nước, đưa chạt lọc vào ruộng muối. Đến nay, đã có 84 sân phơi được cải tạo có chạt lọc với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 145 triệu đồng. Xã đầu tư 157 triệu đồng cải tạo 2ha sản xuất muối sạch, trong đó Nhà nước hỗ trợ 66 triệu đồng. Năm 2010, năng suất muối của Hải Đông đạt trên 110 tấn/ha.
Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt hiệu quả cao đã giúp Hải Đông nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, bình quân thu nhập đầu người đạt trên 12 triệu đồng, giảm số hộ nghèo xuống còn trên 9%./.
Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết