Hải Hậu xây dựng các vùng sản xuất đạt giá trị kinh tế cao

10:12, 07/12/2011
Hội viên Hội Sinh vật cảnh Hải Hậu trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh.
Hội viên Hội Sinh vật cảnh Hải Hậu trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh.

Trong những năm qua, huyện Hải Hậu đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá với những chương trình phát triển kinh tế mới cho hiệu quả cao. Chương trình “Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn với tiêu thụ sản phẩm” được cụ thể hoá thành các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể. Vùng sản xuất 12 nghìn ha gieo cấy những giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt, như: lúa lai, tám thơm, nếp, bắc thơm... được áp dụng công nghệ mới trong thâm canh. Vùng chuyển đổi sản xuất, tăng diện tích cây màu, cây cảnh, mở rộng diện tích vụ đông trên ruộng 2 vụ lúa cho hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần trồng lúa, góp phần nâng giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt trên 68 triệu đồng. Điển hình như các xã: Hải Tây, Hải Xuân, Hải Toàn, Hải Phú, Hải Tân... Mô hình kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi và thuỷ sản có bước phát triển khá; với 350 trang trại, gia trại. Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Đến nay, toàn huyện đã quy hoạch, chuyển đổi gần 700ha diện tích cấy lúa, làm muối hiệu quả thấp sang nuôi thuỷ sản và trồng rau, màu cho hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2003, huyện Hải Hậu đã thực hiện thành công chủ trương dồn điền đổi thửa (DĐĐT), bình quân toàn huyện còn 2,8 thửa/hộ. Nhiều hộ nông dân qua DĐĐT đã thực hiện chuyển đổi, xây dựng những mô hình sản xuất mới cho thu nhập cao. Tiêu biểu là xã Hải Chính, năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, xã Hải Chính khuyến khích nông dân chuyển đổi thêm 14ha diện tích làm muối năng suất thấp sang nuôi thuỷ sản, đồng thời, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quy trình nuôi thả, chăm sóc, phòng bệnh cho tôm. Đến nay, toàn bộ diện tích 30ha tại khu quy hoạch của xã được 39 hộ thả 25 triệu con tôm giống, trong đó 95% là giống tôm he và tôm thẻ chân trắng, sau 3 tháng thu hoạch được gần 50% diện tích, ước tính năng suất đạt 7-7,5 tấn/ha, cá biệt có đầm đạt gần 10 tấn/ha, giá trị đạt 115-120 nghìn đồng/kg, 30ha đầm nuôi tôm công nghiệp tại Hải Chính sẽ có giá trị đạt trên 20 tỷ đồng, gấp 10 lần so với sản xuất muối.

Thời gian qua, BCH đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2010-2015 đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề, 6 đề án tập trung giải quyết những vấn đề trong đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn, tiêu biểu là: Đề án DĐĐT giai đoạn 2010-2015; Đề án mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây vụ đông trên chân ruộng 2 vụ lúa, phát triển trang trại; Đề án xây dựng làng nghề trên địa bàn huyện; Đề án đào tạo nghề, truyền nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Với hướng đi đúng, cách làm sáng tạo, đã xuất hiện nhiều mô hình và vùng sản xuất đạt giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, việc chuyển đổi sản xuất từ diện tích trồng lúa, làm muối năng suất thấp sang trồng màu, trồng cây cảnh diễn ra chủ yếu ở các xã, thị trấn: Hải Hoà, Thịnh Long, Hải Sơn, Hải Phú, Hải Cường, Hải Xuân, Hải Tây, Hải Lý, Hải Đông... Xóm 7c, xã Hải Phong có 457 khẩu, là xóm thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chi Hội Nông dân xóm đã xây dựng mô hình “Trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa, phát triển kinh tế gia đình”. Vận động nông dân ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa những giống lúa mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, đến nay diện tích cây vụ đông luôn được duy trì trên 50%, tổng diện tích canh tác của xóm. Nhiều hộ coi vụ đông là vụ sản xuất chính, thu hoạch trên 50 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, đời sống được cải thiện, nhân dân trong xóm có điều kiện đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà văn hoá xóm và đổ bê tông trên 2,2km đường dong xóm. Xóm Mai Quyền, xã Hải Phú có 157 hộ với 530 nhân khẩu, là xóm thuần nông, kinh tế khó khăn. Với mô hình “Vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây cảnh, rau màu”, đến nay, bà con đã chuyển đổi được hơn 41% diện tích, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng; trong đó có 50% số hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng. Số hộ nghèo giảm nhanh, đến nay còn 4,76%.

Đồng chí Phạm Văn Chiến, Bí thư Huyện ủy Hải Hậu cho biết: Hiện nay, huyện đang tập trung phấn đấu đến năm 2015 thực hiện chuyển đổi thêm 500ha cấy lúa, làm muối hiệu quả thấp sang nuôi thuỷ sản, trồng cây cảnh, nâng tổng diện tích chuyển đổi lên 25% tổng diện tích đất canh tác của huyện; tiến hành quy hoạch lại những trang trại, gia trại ra khỏi khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, phấn đấu toàn huyện có 450 trang trại, gia trại trở lên. Với phương châm mỗi xã có ít nhất một làng nghề, mỗi làng nghề một loại sản phẩm đặc trưng, phát triển ngành nghề theo thế mạnh của địa phương, đến nay các xã, thị trấn trong huyện đã đăng ký xây dựng 89 làng nghề; chủ yếu là các nghề: may, chế biến gỗ, dệt chiếu, mây tre đan, dệt lưới, sản xuất bánh kẹo, chế biến thuỷ sản, thảm cói, móc sợi, trồng hoa, cây cảnh. Để tạo nguồn nhân lực có chất lượng, huyện xây dựng đề án đào tạo nghề cho lao động, phấn đấu đến năm 2015 đào tạo trên 15 nghìn lao động, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 4.000 lao động, còn lại là các nghề phi nông nghiệp. Đến tháng 11-2011, 35 xã, thị trấn của huyện cơ bản đạt hai nhóm tiêu chí trong xây dựng NTM, gồm nhóm tiêu chí về văn hoá - xã hội - môi trường và nhóm tiêu chí về hệ thống chính trị, an ninh, trật tự - xã hội. Hiện nay, có 35/35 xã, thị trấn trong huyện đạt 10 tiêu chí trở lên, trong đó 15 xã, thị trấn đạt 14/19 tiêu chí. Kết quả này đã phản ánh những nỗ lực, sáng tạo của Đảng bộ, nhân dân huyện Hải Hậu trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com