Giao Thịnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa

08:12, 20/12/2011

Những năm gần đây, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa. Cả 2 HTXNN Thịnh Thắng và Thịnh Tiến của xã đều mở rộng diện tích trồng các loại cây màu vụ đông như: khoai tây, cà chua, bí xanh và rau màu các loại. Để phát huy thế mạnh của từng vùng canh tác, xã đã sớm quy hoạch sản xuất nông nghiệp, gồm vùng chuyên canh rau màu ở HTX Thịnh Tiến và vùng nuôi thủy sản, vùng trồng lúa hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao... Xã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất như đường giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng tưới tiêu nước cho từng vùng canh tác. Xã có kế hoạch mở rộng và cứng hóa 60km đường giao thông nội đồng với thiết kế mặt đường rộng 3-3,5m, bảo đảm đưa cơ giới hóa vào sản xuất và thu mua nông sản ngay tại ruộng. Hưởng ứng phong trào làm đường giao thông nội đồng, cùng với chính quyền, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã vận động hội viên, nhân dân góp đất theo đầu sào để có quỹ đất mở rộng đường và tự nguyện đóng góp ngày công lao động.

Bên cạnh việc quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xã khuyến khích 2 HTXNN và xã viên áp dụng KHKT vào sản xuất. Cùng với việc tuyên truyền xây dựng một số mô hình trồng khảo nghiệm các giống cây mới để đưa vào sản xuất đại trà như giống măng tây, cà chua, khoai tây; thử nghiệm các loại phân bón, thuốc trừ sâu thích hợp với chất đất và tập quán canh tác của xã viên, các HTXNN Thịnh Tiến và Thịnh Thắng còn làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình thời tiết và diễn biến sâu bệnh để xã viên chủ động phòng trừ, bảo vệ cây trồng. Từ đầu năm đến nay, các HTXNN đã đầu tư trên 4 tỷ đồng nhập phân bón, giống cây trồng các loại cung ứng cho các hộ dân; tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh rau màu vụ đông, nuôi cá nước ngọt và nuôi lợn sinh sản, móc túi sợi cho gần 300 nông dân. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Hội CCB xã đã đứng ra tín chấp cho gần 1.000 hội viên vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ trên 12 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Bằng các biện pháp đồng bộ, hơn 500ha đất nông nghiệp của xã đã cho thu nhập bình quân khoảng 70 triệu đồng/ha; riêng một số cánh đồng chuyên canh rau màu cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Xã Giao Thịnh đã chuyển đổi 30ha đất cấy lúa kém hiệu quả ở xóm 5 và xóm 6 thành vùng nuôi thủy sản tập trung, nâng tổng diện tích nuôi thủy sản toàn xã lên 62,3ha. Các hộ dân ở vùng chuyển đổi đã áp dụng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp với công thức nuôi các loại cá truyền thống, cá vược, cá rô đầu vuông kết hợp với nuôi lợn, gà và trồng cây cảnh hoặc rau màu ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ gia đình ông Phạm Văn Bình ở xóm 14 đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng nuôi cá vược, tôm rảo kết hợp với trồng cây cảnh, mỗi năm đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Mô hình kinh tế trang trại nuôi lợn công nghệ cao trên diện tích 12ha của gia đình anh Lại Văn Nhân ở xóm 9 đã cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh từ 2.000-2.500 con lợn giống mỗi tháng, giải quyết việc làm cho gần 30 lao động với thu nhập từ 2,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Các mô hình kinh tế trang trại còn mở hướng cho người dân trong xã tiếp cận với phương pháp chăn nuôi mới hiệu quả cao, an toàn dịch bệnh. Từ việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trên địa bàn xã đã có trên 350 hộ làm dịch vụ cung ứng, tiêu thụ các loại vật tư, sản phẩm nông nghiệp; trong đó có hàng chục đầu mối thu mua nông sản cho vùng đồng màu.

Với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã góp phần mang lại thu nhập bình quân của người dân Giao Thịnh đạt 14 triệu đồng/năm./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com