Năm 2011, ước tính giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Nam Trực đạt trên 1.155 tỷ đồng, bằng 101,3% kế hoạch năm, tăng 22,6% so cùng kỳ. Đạt được kết quả trên là do huyện tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất vượt qua khó khăn khi lạm phát tăng, biến động giá cả, khó về nguồn vốn, lãi suất ngân hàng cao. Ba ngành sản xuất chính của huyện đều có mức tăng trưởng cao so cùng kỳ: Sản xuất cơ khí ước đạt trên 705 tỷ đồng, tăng 22,6%; dệt may ước đạt gần 218 tỷ đồng, tăng 23,3%; sản xuất VLXD ước đạt trên 118 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ.
Gia đình anh Đoàn Văn Khoa, thôn Bình Yên, xã Nam Thanh có 3 máy ép nhôm, mỗi tháng sản xuất 6 tấn sản phẩm. |
Là huyện có nhiều làng nghề, hộ sản xuất cơ khí, trong năm qua, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đều tích cực đầu tư mở rộng nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường. Làng nghề Vân Chàng (Thị trấn Nam Giang) với các mặt hàng cơ khí truyền thống như cuốc xẻng, dụng cụ phục vụ nông nghiệp, phụ tùng xe đạp… đã tích cực nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, mở rộng thị trường tiêu thụ lên các tỉnh phía Bắc. Mỗi tháng làng nghề Vân Chàng sản xuất hàng nghìn tấn sản phẩm, để giảm chi phí, các hộ đã giảm tối đa việc sử dụng sức người tập trung đầu tư máy móc, cải tiến quy trình sản xuất, tăng năng suất lao động. Làng nghề Đồng Côi (Thị trấn Nam Giang) có nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất các mặt hàng công nghiệp như phụ tùng máy dệt, thiết bị cho ngành điện, giao thông… giữ ổn định thị trường với khách hàng truyền thống và tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường. Nhiều Cty đạt doanh thu cao như Cty TNHH Việt Thắng, Cty Cơ khí Hà Ninh, Cty TNHH Cơ khí Tiến Đạt, Cty TNHH Anh Đạt, Cty CP Cơ khí Quang Báo… Cty TNHH Cơ khí Tiến Đạt chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ ngành điện, giao thông vận tải đã duy trì sản xuất, tạo được niềm tin của khách hàng. Năm 2011, doanh thu của Cty đạt trên 20 tỷ đồng tăng trên 10% so với năm 2011, bảo đảm việc làm cho trên 30 lao động với thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề Bình Yên (xã Nam Thanh) sản xuất các mặt hàng chậu, nồi, xoong, ấm… được chuyên môn hóa ở từng gia đình và chủ yếu sản xuất bằng các loại máy chuyên dụng như máy cán, máy ép định hình, máy cắt, máy đánh bóng… đã giảm nhẹ sức lao động, tăng năng suất, tạo ra thu nhập cao. Làng nghề Bình Yên mỗi ngày xuất bán gần 100 tấn sản phẩm đồ gia dụng. Làng nghề có khoảng 250 hộ sản xuất, tạo việc làm cho 1.000 lao động địa phương và nhiều lao động các xã lân cận. Hộ ông Đoàn Văn Cải có 8 lao động thường xuyên làm việc, sản xuất các mặt hàng chậu nhôm. Ông Cải đã đầu tư máy móc đồng bộ từ khâu đầu đến khâu cuối, mỗi tháng sản xuất trên 10 tấn nhôm, tạo ra trên 7 tấn sản phẩm. Thu nhập của người lao động đạt 3-4 triệu đồng/tháng. Sản xuất dệt may trên địa bàn huyện có 20 doanh nghiệp (trong đó Cty TNHH LongJu 100% vốn đầu tư nước ngoài) và gần 1.700 cơ sở sản xuất kinh doanh. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường, giá cả và nguồn nhân lực nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã nỗ lực vượt qua, tiếp tục liên kết chặt chẽ với các Tổng Cty Dệt may ở tỉnh và Trung ương, giữ vững thị trường tiêu thụ. Giá trị sản xuất của ngành dệt may ước đạt gần 218 tỷ đồng, chiếm 18,8% giá trị toàn ngành, tăng 23,3% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trong ngành dệt may vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Xã Nam Hồng có 8 doanh nghiệp dệt, may và hàng trăm hộ nhận gia công sản phẩm giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, nghề dệt đã mở rộng ra các xã Nam Hoa, Nam Lợi, Nam Thanh… Trong lĩnh vực sản xuất VLXD trên địa bàn huyện hiện có 7 doanh nghiệp, gần 100 cơ sở sản xuất, khai thác VLXD, giá trị sản xuất ước đạt trên 118 tỷ đồng, tăng 22,1% so cùng kỳ. Năm 2011, các doanh nghiệp sản xuất VLXD duy trì sản xuất và phát triển. Toàn huyện sản xuất trên 110 triệu viên gạch, hàng trăm nghìn khối cát phục vụ sản xuất, xây dựng. Năm 2011, Cty CP Gạch ngói Nam Ninh sản xuất khoảng 80 triệu viên gạch, doanh thu ước trên 45 tỷ đồng, nộp thuế Nhà nước trên 3 tỷ đồng.
Năm 2011, huyện Nam Trực đã mở được 14 lớp dạy các nghề may công nghiệp, cơ khí, điện dân dụng, thêu ren…, là nguồn nhân lực bổ sung cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Huyện kịp thời tuyên truyền, phổ biến những chính sách kinh tế của Nhà nước, các thông tin về kinh tế, giá cả; cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất. Huyện và các xã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân, hộ sản xuất CN-TTCN xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường… Kết quả sản xuất năm 2011 tạo đà để huyện Nam Trực phấn đấu trong năm 2012 giá trị sản xuất CN-TTCN đạt trên 1.410 tỷ đồng./.
Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết