Báo động ô nhiễm tại các làng nghề

08:12, 03/12/2011

 

Nước thải và chất thải rắn từ các làng nghề cơ khí trong tỉnh chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: hữu quyết
Nước thải và chất thải rắn từ các làng nghề cơ khí trong tỉnh chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường.
Ảnh: Hữu Quyết

 

Những năm qua, cùng với sự phát triển sản xuất kinh doanh, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề trong tỉnh cũng đang ở mức báo động. Ô nhiễm làng nghề không chỉ gây hậu quả về sức khỏe, đời sống người lao động, cộng đồng cư dân khu vực mà còn ảnh hưởng đến tính bền vững, cơ hội phát triển của các làng nghề.

Theo số liệu điều tra từ năm 2009, với tổng số nguyên, nhiên liệu sử dụng hàng năm của các làng nghề là 105 nghìn tấn than, 1.510 tấn xăng dầu, 1.100 tấn hóa chất sẽ thải ra khoảng 12.000m3 nước thải/ngày và khí thải mang các loại hóa chất độc hại như HCl, Axeton, CO2, CO, SO2… Trong số 90 làng nghề của tỉnh có tới 42 làng nghề thải ra môi trường các chất thải thuộc dạng ô nhiễm điển hình trong đó nước thải, khí thải đều chưa được xử lý đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất, nước, không khí và tác động đến môi trường sống của làng nghề và các khu vực phụ cận. Điều tra của cơ quan y tế, tuổi thọ của người dân tại làng nghề Vân Chàng bình quân 55 tuổi và là địa bàn có số lượng người mắc bệnh ung thư cao. Nhằm cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm môi trường làng nghề đang diễn biến phức tạp, mới đây cơ quan quản lý môi trường đã tiến hành đo đạc, kiểm tra tại một số làng nghề ô nhiễm trọng điểm. Về nước thải, kết quả quan trắc cho thấy tầng nước mặt ở các làng nghề đều trong tình trạng ô nhiễm cục bộ ở từng thời điểm. Nồng độ chất độc hại BOD5, COD trong nước thải làng nghề đang có chiều hướng gia tăng và gần đây đã vượt chuẩn cho phép. Trong đó nước mặt bị ô nhiễm nặng nhất là khu vực sông Sắt (nơi tiếp nhận nước thải khu vực làng nghề thủ công mỹ nghệ, mây tre đan xã Yên Tiến, Ý Yên) và sông Hùng Vương (tiếp nhận nước thải làng dệt Quả Linh, xã Thành Lợi, Vụ Bản). Ở các làng nghề cơ khí, đúc Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực), Xuân Tiến (Xuân Trường), Yên Xá (Ý Yên) vượt quá tiêu chuẩn cho phép cao. Môi trường đất ở các làng nghề cơ khí, đúc cũng có dấu hiệu bị ô nhiễm kim loại. Đặc biệt, phần lớn các làng nghề hiện nay vẫn thu gom chất thải nguy hại lẫn với rác thải sinh hoạt và xử lý theo phương pháp chôn lấp.

Mặc dù thực trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề diễn biến ngày càng trầm trọng nhưng đến nay công tác xử lý, khắc phục vẫn chưa tương xứng. Hiện nay, chưa có làng nghề tổ chức hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Mỗi ngày, khoảng 12.000m3 nước thải với nhiều hóa chất độc hại vẫn thải trực tiếp ra môi trường. Các CCN Yên Xá (Ý Yên), Xuân Tiến (Xuân Trường) được tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường từ năm 2007-2008 nhưng cũng chưa đảm bảo do thiếu kinh phí. Làng nghề Vân Chàng, xã Nam Giang (Nam Trực), làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) đang lập dự án xử lý nước thải theo Dự án Quản lý chất thải nguy hại do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ. Về xử lý chất thải rắn nguy hại, từ năm 2007 đến nay trên địa bàn tỉnh có 28 bãi chôn lấp rác thải, trong đó 22 bãi được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, hoạt động của các bãi chôn lấp rác thải này cũng chưa đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trong số 21 bãi chôn lấp rác thải đã đi vào hoạt động, có tới 7 bãi chôn lấp (ở các địa phương: Thị trấn Cát Thành, làng Cổ Chất xã Phương Định, xã Trung Đông của huyện Trực Ninh; xã Xuân Tiến của huyện Xuân Trường; Thị trấn Nam Giang của huyện Nam Trực; Thị trấn Cồn của huyện Hải Hậu và xã Mỹ Thắng của huyện Mỹ Lộc) hoạt động không hiệu quả do quy trình vận hành chưa đúng, vẫn gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân do các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề thiếu quan tâm tới việc bảo vệ môi trường sản xuất an toàn. Ở Thị trấn Nam Giang, mặc dù đã có bãi chôn lấp rác thải nhưng doanh nghiệp, người dân vẫn đổ rác bừa bãi ven đường và dọc các kênh mương dẫn nước. Vì vậy, giải pháp cơ bản hiện nay là cần có kiểm tra, xử lý triệt để, nghiêm khắc với các vi phạm về gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề./.

Hoàng Văn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com