Ô nhiễm làng nghề nhanh và trầm trọng

08:11, 06/11/2011

Mặc dù hệ thống văn bản pháp luật về môi trường cũng như các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương đối đầy đủ, nhưng việc ban hành các văn bản này còn chậm và chồng chéo về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành đã dẫn đến thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng gia tăng.

Báo động

Các làng nghề tái chế kim loại hiện đang bị ô nhiễm nặng nề. Ảnh: PV
Các làng nghề tái chế kim loại hiện đang bị ô nhiễm nặng nề.

Theo thống kê, Việt Nam có 3.597 làng nghề, trong đó có 1.316 làng nghề được công nhận và 2.281 làng có nghề. Việc phát triển kinh tế làng nghề đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm đói nghèo, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Kết quả thống kê tại một số làng có nghề cho thấy, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt 60-80%; nông nghiệp chiếm khoảng 20-40%. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đang đặt ra đối với không ít làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường. Báo cáo gần đây nhất của Bộ TN và MT cho thấy, ô nhiễm làng nghề gia tăng theo cấp số nhân. Với thực trạng đầu tư nhỏ lẻ, thiết bị thủ công hoặc công nghệ lạc hậu, 100% nguồn nước thải, rác thải từ các làng nghề không được xử lý đã góp phần không nhỏ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, ở nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh, nhất là nhóm người trong độ tuổi lao động đang có xu hướng tăng cao. Đáng lo ngại ở một số làng nghề có mức độ ô nhiễm cao thì tuổi thọ trung bình của người dân giảm, thấp hơn đến 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và thấp hơn từ 5-10 năm so với làng không làm nghề.

Kết quả khảo sát mới nhất của Viện Khoa học - Công nghệ môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho thấy: 100% mẫu nước thải ở các làng nghề có thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép; nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm. Bên cạnh đó, hầu như không có cơ sở sản xuất làng nghề nào đáp ứng đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường như: có biện pháp giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường...

Địa phương thờ ơ

Cùng với việc phát triển làng nghề, Nhà nước đã có nhiều chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Song trên thực tế, việc thực thi chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề đang đặt ra những thách thức mới.

Mặc dù đã có 35 tỉnh, thành ban hành các văn bản chỉ đạo, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường. Nhưng trên thực tế, việc thực thi các quy định trên còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách 1% sự nghiệp môi trường có từ năm 2006 nhưng rất ít địa phương dành kinh phí này đầu tư bảo vệ môi trường. Đáng chú ý công tác kiểm tra xử lý của các địa phương còn lỏng lẻo không hiệu quả. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2006 tới 2010, tại 10 tỉnh, Thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Bình Dương, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Lâm Đồng, công tác kiểm tra mới thực hiện được tại 520 cơ sở và công tác thanh tra mới thực hiện được tại 132 cơ sở. Kết quả chỉ có 21 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, di dời; 62 cơ sở bị phạt 899,8 triệu đồng và 89 cơ sở bị cảnh cáo.

11 triệu lao động (chiếm 30%) lực lượng lao động nông thôn đang có đời sống khấm khá nhờ nghề. Không ai phủ nhận kết quả này nhưng từ thực tế trên cho thấy, nếu không có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, làng nghề sẽ phải gánh chịu hậu quả rất nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường. Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Diệp Kính Tần đã đến lúc cần phải tổng điều tra, đánh giá thực trạng làng nghề trên toàn quốc. Đặc biệt, phải có tiêu chí phân loại làng nghề, làng nghề nào gây ô nhiễm nghiêm trọng thì nên bỏ, ô nhiễm ít có lộ trình xử lý./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com