Để nghề dệt ở Nam Hồng phát triển bền vững

08:11, 18/11/2011
Sản xuất khăn xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Liên Tỉnh, xã Nam Hồng (Nam Trực).
Sản xuất khăn xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Liên Tỉnh,
xã Nam Hồng (Nam Trực).

Thời gian qua, mặc dù gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu luôn biến động, lực lượng lao động không ổn định nhưng các doanh nghiệp, các hộ nghề dệt của xã Nam Hồng (Nam Trực) vẫn duy trì sản xuất ổn định.

Hiện tại, trên địa bàn xã có 8 doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu mặt hàng khăn xuất khẩu. Cty CP Dệt may Liên Tỉnh, với sự hỗ trợ của xã về mặt bằng đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất rộng 8.000m2, đầu tư mua 100 máy dệt và 80 máy may công nghiệp, tạo việc làm cho hơn 200 lao động, với thu nhập bình quân 2,8-3 triệu đồng/người/tháng. Để chủ động trong sản xuất, Cty duy trì ổn định, tập trung nâng cao tay nghề cho người lao động để đảm bảo chất lượng, sản lượng hàng hoá. Ngoài ra, Cty thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương) và Phòng Công thương huyện tổ chức các lớp đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động, đảm bảo nguồn nhân lực ổn định. Trung bình mỗi tháng Cty xuất khẩu hơn 20 tấn sản phẩm. Cty TNHH Mai Anh đầu tư trên 2 tỷ đồng mua 40 máy dệt công nghiệp, tạo việc làm cho 25 lao động trực tiếp và 25 hộ nhận gia công sản phẩm. Thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 2 triệu đồng/tháng. Cty liên kết với Cty CP Dệt may Thúy Đạt (TP Nam Định) mỗi tháng xuất 600 nghìn chiếc khăn. Để tạo nguồn vốn ổn định, Cty vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng NN và PTNT huyện để phát triển sản xuất. Ngoài ra, trên địa bàn xã có hàng trăm hộ nhận gia công sản phẩm cho các Cty dệt may. Các hộ sản xuất được một số Cty hỗ trợ kinh phí mua máy giúp nâng cao năng suất lao động… Cũng như một số làng nghề trong tỉnh, thời gian qua các doanh nghiệp dệt may ở xã Nam Hồng thiếu lao động do phần lớn các doanh nghiệp trả lương cho người lao động theo cách khoán sản phẩm, chưa có sự ràng buộc với doanh nghiệp nên người lao động tự ý bỏ việc hoặc chuyển sang làm cho doanh nghiệp khác trả lương cao hơn. Để hạn chế tình trạng trên, các doanh nghiệp cần có những ưu đãi, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập ổn định, yên tâm gắn bó với nghề. Anh Đặng Ngọc Phương, Giám đốc Cty TNHH Dệt may Phương Đông cho biết: “Dù khó khăn về nguyên liệu nhưng Cty vẫn đảm bảo việc làm cho người lao động”.

Để nghề dệt ở xã Nam Hồng phát triển bền vững, các doanh nghiệp, hộ sản xuất cần đầu tư về nhà xưởng, sản xuất tập trung theo hướng công nghiệp hóa, thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, hướng dẫn đào tạo nguồn nhân lực kế cận, đảm bảo thu nhập ổn định giúp lao động yên tâm với nghề. Với việc phát triển nghề dệt truyền thống, năm 2011 giá trị kinh tế thu từ nghề dệt ước đạt 40% tổng thu nhập toàn xã./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com