Huyện Vụ Bản có 5 làng nghề truyền thống ở các xã: Quang Trung, Trung Thành, Liên Minh, Vĩnh Hào, Thành Lợi với 3 ngành chủ yếu là cơ khí, dệt vải và sơn mài, mây tre đan. Hoạt động của các làng nghề còn nhỏ lẻ và tự phát với mặt bằng sản xuất chật hẹp, chưa bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong sản xuất. Việc đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm chưa được chú trọng nên các sản phẩm CN-TTCN, làng nghề trên địa bàn huyện chủ yếu vẫn ở dạng thô, khó tạo dựng thương hiệu hàng hóa. Toàn huyện còn 45 doanh nghiệp và 1.381 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên quy mô của các doanh nghiệp nhỏ, vốn ít và công nghệ, thiết bị lạc hậu, tay nghề người lao động thấp. Tổng giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2010 toàn huyện đạt 136,75 tỷ đồng, bằng 85,5% kế hoạch năm. Cơ cấu lao động tham gia sản xuất CN-TTCN chỉ đạt 49,9% mục tiêu trong chương trình phát triển CN-TTCN của huyện đề ra và chỉ chiếm 8,39% cơ cấu lao động của huyện.
Cty May Sohavina, CCN Trung Thành (Vụ Bản) tạo việc làm cho hơn 100 lao động. |
Trước thực trạng trên, các ngành chức năng của huyện đã tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy CN-TTCN trên địa bàn huyện. Trong đó, huyện chú trọng thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từng bước hình thành các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, quy trình công nghệ tiên tiến trong các làng nghề cũng như ngoài làng nghề, ban hành các cơ chế chính sách để thu hút khuyến khích đầu tư vào địa phương, trong đó hỗ trợ một phần cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, dạy nghề, du nhập nghề mới bằng nguồn ngân sách của huyện; sử dụng hiệu quả quỹ khuyến công, khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề sản xuất, cải tiến công nghệ mới; tạo điều kiện, ưu tiên giao đất và miễn thuế đất cho các doanh nghiệp về đầu tư sản xuất tại các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn huyện. Các xã Trung Thành và Quang Trung đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc giao và cho thuê đất, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm đi vào xây dựng nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh tại các CCN xã. Huyện cũng tập trung việc duy trì và phát triển các làng nghề. Hiện tại, các xã trên địa bàn huyện đều đã tiến hành lập quy hoạch phát triển CN-TTCN, làng nghề, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch điểm công nghiệp… theo chủ trương mỗi xã phải có ít nhất một điểm công nghiệp với quy mô từ 1,5 đến 2ha/điểm. Tại các làng nghề truyền thống như: cơ khí Bảo Ngũ, sơn mài Ngõ Trang, mây tre đan Vĩnh Hào đang tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa, mở rộng thị trường. Các xã đã chủ động nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền công nhận làng nghề, nghệ nhân để các cơ sở sản xuất, các làng nghề được thụ hưởng thêm các chế độ, chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển thương hiệu. Các xã, thị trấn đẩy mạnh đa dạng các ngành nghề; trong đó chú trọng phát triển các nghề có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm cao như: cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, dệt may, thêu, chế biến nông sản, thực phẩm… Huyện phấn đấu đến năm 2015, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có nghề phù hợp với điều kiện của địa phương. Công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn cũng đang được các xã, thị trấn quan tâm thực hiện. Năm 2011 các xã, thị trấn đều tiếp nhận và triển khai tốt chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.000 lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và tìm được việc làm sau khi học. Huyện còn cân đối ngân sách và khả năng đào tạo, nhu cầu học nghề, tìm việc làm của nhân dân địa phương, trích ngân sách hỗ trợ kinh phí học nghề cho khoảng 400 lao động và tăng cường đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề. Huyện tăng cường phối hợp với Cty CP Đầu tư Vinatex, các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN Bảo Minh để tăng cường huy động kinh phí và chủ động trong công tác đào tạo nguồn nhân lực theo đúng nhu cầu về ngành nghề, số lượng lao động của chính các doanh nghiệp; phấn đấu bình quân mỗi năm sẽ đào tạo nghề cho 2.000-2.500 lao động mới và đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện phải đạt trên 60% tổng số lao động. Lực lượng lao động đã được đào tạo không chỉ là nguồn nhân lực đạt chuẩn cung ứng cho nhu cầu phát triển sản xuất của các làng nghề, doanh nghiệp trên địa bàn huyện và còn tạo cơ hội để các cơ sở, doanh nghiệp trong huyện làm vệ tinh cho các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh, nhất là khi KCN Bảo Minh đi vào hoạt động. Với những giải pháp thiết thực cùng sự nỗ lực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Vụ Bản sẽ hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 đạt giá trị sản xuất công nghiệp 365 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,3% trong cơ cấu kinh tế của huyện; giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 22%/năm trở lên./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy