Trung Thành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế

08:11, 24/11/2011
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Cty TNHH Xây dựng và thương mại Hoàng Hải, CCN xã Trung Thành (Vụ Bản).
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Cty TNHH Xây dựng và thương mại Hoàng Hải, CCN xã Trung Thành (Vụ Bản).

Để phát triển kinh tế, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân, xã Trung Thành (Vụ Bản) đã tập trung đẩy mạnh phát triển toàn diện các lĩnh vực sản xuất CN-TTCN, nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Trong phát triển CN-TTCN, xã quy hoạch đất xây dựng CCN; tạo điều kiện về thủ tục hành chính, tiếp cận hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề… Các doanh nghiệp cơ sở sản xuất trong xã không ngừng đổi mới thiết bị, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Xã duy trì ổn định nghề rèn truyền thống và phát triển một số nghề mới như may mặc, sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, đan móc hộp sợi xuất khẩu, sản xuất da giày. Toàn xã có 24 cơ sở sản xuất cơ khí (trong đó 14 cơ sở có sản phẩm xuất khẩu); 178 cơ sở sản xuất các sản phẩm quần áo thời trang nội địa quy mô từ 10-15 máy may và 2 Cty, tạo việc làm ổn định cho 100-160 lao động. Ngay từ đầu năm 2011, Cty May Sohavina đã tiếp cận được các đối tác nước ngoài, sản xuất các loại quần áo thể thao, jắc-két xuất khẩu trực tiếp sang các nước châu Âu, châu Mỹ và Hàn Quốc. Trong các nghề mộc mỹ nghệ, da giày, móc hộp sợi xuất khẩu đều có những doanh nghiệp đầu mối đứng lên thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất. Để phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đã đầu tư xây dựng nhà xưởng tại CCN rộng 5,9ha. Năm 2010, sản xuất CN-TTCN của xã đạt thu nhập 27 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng và bán lẻ hàng hóa toàn xã đạt 42,7 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp được xã tập trung chỉ đạo, vận động nông dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống lúa, rau màu có tiềm năng năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng và tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa. Đến nay, xã đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn như vùng trồng lạc rộng 33,48ha, thu nhập gần 100 triệu đồng/ha; vùng trồng cây dưa chuột xuất khẩu 1,8ha, đạt giá trị thu nhập 66,7 triệu đồng/ha; vùng trồng cây khoai tây 27ha, đạt giá trị khoảng 100 triệu đồng/ha. Ngoài ra, xã còn xây dựng một số mô hình luân canh cây trồng cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm; năng suất lúa bình quân đã đạt 117,65 tạ/ha/năm. Giá trị thu nhập bình quân đạt 68,5 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn xã có 7 hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, góp phần duy trì, phát triển đàn gia súc, gia cầm… Để đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thời gian tới xã tiếp tục đầu tư hơn 18 tỷ đồng cải tạo hệ thống trục giao thông xã; gần 15 tỷ đồng cho giao thông thôn, xóm; trên 15 tỷ đồng cho cải tạo hệ thống thủy lợi; gần 8 tỷ đồng cải tạo hệ thống giao thông nội đồng, tạo thuận lợi cho nông dân đi lại và vận chuyển nông sản. Xã xây dựng kế hoạch huy động khoảng 5,8 tỷ đồng để hỗ trợ các hoạt động sản xuất như: Xây dựng khu chuyên trồng màu, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, các mô hình du nhập, phát triển ngành nghề, thành lập doanh nghiệp… Hiện, xã đang tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa để quy hoạch vùng sản xuất tập trung, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất công với mục tiêu mỗi hộ chỉ còn 2 thửa ruộng. Trong sản xuất CN-TTCN, xã sẽ tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ môi trường tại CCN, mở rộng diện tích CCN xã, với quy mô 20,59ha, áp dụng một số chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp có nhu cầu di chuyển vào CCN. Xã phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, nâng cao kiến thức quản lý cho các doanh nghiệp và tổ chức đào tạo nghề cho người lao động. Hiện, xã đang tổ chức đào tạo nghề may, đan móc hộp sợi xuất khẩu cho 71 lao động. Xã sẽ đầu tư 5,6 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp chợ Dần với quy mô rộng 700m2 sàn, xây 3 tầng kiên cố, để tạo điều kiện cho các hộ mở rộng quy mô kinh doanh dịch vụ. Trong sản xuất nông nghiệp, xã phát triển vùng cấy lúa cao sản rộng khoảng 62,5ha; phát triển vùng trồng màu với tổng diện tích 48,9ha và vùng trang trại, gia trại với tổng diện tích gần 40ha; vùng trồng hoa, cây cảnh với tổng diện tích 3,5ha. Xã Trung Thành phấn đấu từ nay đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 11 đến 12%; giá trị thu nhập từ ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng 30 đến 35%; CN-TTCN, dịch vụ đạt 65 đến 70% tổng giá trị sản xuất. Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đạt 120 đến 125 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 đến 28 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống ở mức 3%./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com