Xã Thành Lợi (Vụ Bản) hiện có hơn 100 hộ dệt gia công. Năm 2010, giá trị thu nhập từ dệt may đạt 750 triệu đồng, chiếm 10% tổng thu nhập toàn xã.
Trên địa bàn xã hiện có doanh nghiệp dệt Thành Lợi và 2 xưởng dệt của các ông Vũ Văn Chiến và Nguyễn Văn Khoa sản xuất và nhận bao tiêu mặt hàng vải màn. Được sự hỗ trợ của xã, doanh nghiệp dệt Thành Lợi đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng xưởng rộng 8.158m2, với 150 máy dệt, tạo việc làm cho 60 lao động với mức thu nhập bình quân 1,2-1,4 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng bình quân doanh nghiệp xuất bán hơn 100 nghìn mét vải màn cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Xưởng dệt của ông Vũ Văn Chiến có 15 máy dệt, tạo việc làm cho 5-6 lao động; trung bình mỗi tháng sản xuất hơn 50 nghìn sản phẩm gạc bông y tế, vải màn. Xưởng dệt của ông Nguyễn Văn Khoa có 12 máy dệt, tạo việc làm cho 6 lao động. Khó khăn hiện nay của các cơ sở dệt may trên địa bàn xã là thiếu lao động, tay nghề của người lao động chưa cao, mặt bằng sản xuất còn hạn chế. Đồng chí Phan Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để hỗ trợ nghề dệt phát triển, xã đã dành đất quy hoạch xây dựng CCN cho các doanh nghiệp, các hộ thuê đất để mở rộng sản xuất. Hiện tại, doanh nghiệp Thành Lợi đã được xã cho thuê hơn 8.000m2 đất để xây dựng nhà xưởng với giá thuê đất ưu đãi”. Từ năm 2009, xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh mở lớp dạy nghề dệt cho hơn 200 lao động. Người lao động sau khi học nghề đều được các doanh nghiệp trong và ngoài xã tiếp nhận vào làm việc. Dự kiến đầu tháng 12-2011, Hội LHPN xã tổ chức lớp dạy nghề dệt may cho hội viên để tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, xã hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục để vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT huyện, Ngân hàng Công thương tỉnh để đầu tư máy móc, nhà xưởng mở rộng sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với phát triển nghề dệt vải màn, gạc y tế, xã khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ tìm kiếm nghề mới để tạo việc làm cho lao động địa phương trong lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập.
Thời gian tới, xã phát triển nghề dệt theo hướng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội./.
Đức Toàn