Tăng đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp

09:11, 25/11/2011

Sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản) nước ta những năm vừa qua được Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo và dành ưu tiên mọi mặt. Ngành nông nghiệp cả nước đã vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Qua thực tiễn đó, mặc dù đang triển khai chủ trương thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, nhưng Quốc hội thống nhất đề nghị tăng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư hạn chế, để bảo đảm nông nghiệp tăng trưởng đạt và vượt mục tiêu đề ra, nên tính toán lựa chọn cơ cấu đầu tư có hiệu quả nhất. Cần tiếp tục tăng đầu tư trực tiếp cho sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản, cũng như các yếu tố liên quan sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng cao, bền vững, tạo điều kiện cần và đủ cho ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, cải thiện giá cho người tiêu dùng trong nước đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, góp phần kiềm chế lạm phát. Theo đó, phải ưu tiên tăng đầu tư cho các chương trình, dự án phục vụ trực tiếp cho sản xuất như: Chương trình giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản; chương trình nuôi trồng thủy sản, trồng rừng; các dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu khoa học công nghệ; bảo đảm vốn đầu tư cho nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống thiên tai, bảo vệ thực vật, thú y, chống cháy rừng...

Đối với các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trừ các dự án cấp bách, bảo đảm an toàn phòng, chống lụt, bão cần xem xét hạn chế khởi công mới. Đối với các dự án, công trình đang thi công có quy mô lớn đầu tư lớn hàng nghìn tỷ đồng, đòi hỏi thời gian thi công dài, để đón bắt phục vụ mục tiêu lâu dài có tầm chiến lược 10-15 năm; cần xem xét tạm dừng hoặc bố trí vốn theo hướng giảm bớt một vài năm. Đối với các dự án, công trình đang đầu tư dở dang khác (kể cả các dự án sử dụng vốn ODA và vốn TPCP): Thực hiện rà soát các hạng mục đầu tư đã được duyệt theo hướng loại bỏ (hoặc giãn tiến độ) các hạng mục đầu tư chưa thật sự cấp bách hoặc khó khăn trong quá trình triển khai.

Nếu tính toán chặt chẽ, bố trí tăng vốn đầu tư trực tiếp cho sản xuất và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển, sản phẩm làm ra nhiều có điều kiện kiềm chế lạm phát, góp phần tăng trưởng kinh tế chung, đời sống nông dân được cải thiện hơn./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com