Sản xuất vụ đông 2011 - Những vấn đề đặt ra

02:11, 23/11/2011

Sản xuất vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng để mở rộng diện tích và sản xuất vụ đông bền vững đang đặt ra nhiều vấn đề, ngành NN và PTNT cũng như các địa phương cần tập trung giải quyết.

I - Vượt lên khó khăn

Đến trung tuần tháng 11-2011, diện tích sản xuất vụ đông trên địa bàn tỉnh mới đạt 11.840ha; riêng cây vụ đông trồng trên đất cấy 2 vụ lúa mới đạt 2.619ha, chỉ bằng nửa diện tích vụ đông năm 2010. Trong khi đó, hầu hết các loại cây trồng như: đậu tương, bí xanh, ngô, cà chua, dưa… đã hết thời vụ cho phép, chỉ còn các loại cây rau ngắn ngày và cây khoai tây trồng làm giống cho vụ đông năm 2012 là vẫn trồng được. Theo tính toán của Sở NN và PTNT, diện tích cây vụ đông năm 2011 của tỉnh chỉ đạt khoảng 13 nghìn ha, bằng 81,3% kế hoạch đề ra. Để cây vụ đông tăng thêm 1.160ha so với hiện tại là có cơ sở. Khắc phục thiệt hại do bão số 4, số 5 và đợt mưa, lũ, úng đầu tháng 10-2011 gây ra, tỉnh ta được hỗ trợ 5 tấn hạt rau ngắn ngày (2 tấn hạt cải bẹ, 1 tấn hạt cải củ, 1 tấn hạt cải xanh và 1 tấn hạt cải ngọt). Toàn bộ số hạt rau đã được cấp xuống các địa phương ngay trong ngày 10-11-2011 để nông dân tổ chức trồng. Số hạt giống này sẽ trồng được 500ha. Hiện tại, diện tích trồng khoai tây của các huyện vẫn còn khoảng 300ha chưa trồng so với các năm trước và các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Giao Thủy… vẫn còn có thể mở rộng diện tích trồng khoai tây trên các chân ruộng cát pha. Ngoài ra, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh còn nhập trên 20 tấn giống khoai tây Đức và Hà Lan về trồng làm giống cho vụ đông năm 2012 tại các xã: Yên Đồng (Ý Yên), Liên Bảo (Vụ Bản), Giao Phong, Giao Thịnh (Giao Thủy)… trong tháng 12-2011 để thu hoạch kịp trồng cây màu vụ xuân năm 2012.

Nông dân Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) chăm sóc cây trồng vụ đông.
Nông dân Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) chăm sóc cây trồng vụ đông.

Khó khăn trong sản xuất vụ đông năm nay và khả năng không đạt kế hoạch về diện tích là do ảnh hưởng của khí hậu với nhiều diễn biến cực đoan. Ngoài việc rét đậm, rét hại kéo dài làm chậm sản xuất vụ xuân 15-20 ngày so với trung bình hằng năm kéo theo sản xuất vụ mùa cũng chậm trên dưới 10 ngày và thu hoạch lúa mùa chậm lại 7 ngày so với các năm trước, năm nay ở tỉnh ta diện tích cấy lúa mùa sớm ở các huyện ít, chỉ trên 3.000ha, chiếm 3% tổng diện tích lúa cấy vụ mùa. Trà lúa mùa sớm chính là tiền đề để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông vì đa phần các cây vụ đông đều yêu cầu thời vụ rất khắt khe như cây đậu tương đông thời vụ tốt nhất là trồng trong tháng 9, nếu sang tháng 10 phải trồng trước ngày mùng 5. Một số cây trồng vụ đông có thể mở nhanh diện tích và cho hiệu quả kinh tế cao như: Bí xanh, cà chua, dưa chuột bao tử, dưa chuột trung tử… cũng đều chỉ trồng được trong trà lúa mùa sớm. Đây cũng là những cây trồng có đầu ra tốt nhất nhưng vụ đông năm nay các cây trồng này rất ít.

II - Để sản xuất vụ đông bền vững

Từ hiệu quả kinh tế cao, nhiều năm nay tỉnh ta đã xác định sản xuất vụ đông là vụ sản xuất hàng hóa chính trong năm, tạo điều kiện cho nông dân tăng thu nhập và làm giàu. Nhiều chính sách hỗ trợ về giống, vốn, tưới, tiêu nước, bảo vệ… được tỉnh và các địa phương ban hành nên phong trào sản xuất vụ đông đã đi vào nền nếp và ngày càng được mở rộng. Để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, những năm qua tỉnh đã chỉ đạo đưa các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng cao vào cấy ở cả 2 vụ và đẩy sớm thời vụ cấy lúa mùa, đặc biệt khuyến khích tăng diện tích cấy lúa mùa sớm để có quỹ đất, quỹ thời gian cho gieo trồng cây vụ đông. Các giải pháp như bón phân cân đối, gieo sạ hàng, làm đất, thu hoạch bằng cơ giới… để giải phóng đất sớm, rút ngắn thời gian cấy, thời gian sinh trưởng của cây lúa cũng được ngành NN và PTNT xây dựng mô hình, khuyến khích nông dân các địa phương áp dụng nhằm mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, tăng năng suất, giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp. Từ 2-3 năm trở lại đây, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các xã, thị trấn hoàn thành quy hoạch sản xuất nông nghiệp với vùng sản xuất vụ đông rộng và các vùng chuyên canh, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đủ năng lực đáp ứng nhu cầu tưới tiêu nước cho từng vùng thuận tiện. Tuy nhiên, hiện tượng khí hậu biến đổi trái quy luật sẽ còn tiếp tục diễn ra. Để giữ vững, ổn định và mở rộng diện tích sản xuất vụ đông trong những năm tới, cần có giải pháp: Bài toán chuyển đổi từ sản xuất 2 vụ lúa thành 2 vụ màu (màu xuân, màu đông) và vụ lúa mùa sớm trong 1 năm, đang hình thành ở các địa phương, ở cả vùng đất cát pha, cơ giới nhẹ và vùng đất thịt nặng để đạt hiệu quả khá. Nếu vùng đại diện cho đất thịt nặng ở Quỹ Nhất, Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng); Hải Xuân, Hải Tân, Hải Tây, Hải Hòa, Hải Châu (Hải Hậu) lấy cây cà chua làm cây trồng chủ lực cho cả vụ xuân và vụ đông tạo thu nhập gấp 5-6 lần cấy lúa, thậm chí vài trăm triệu đồng/ha/năm… thì các xã: Trực Đại, Trực Nội, Trực Hùng, Trực Thái (Trực Ninh) cấy 2 vụ lúa giống và trồng dưa chuột xuất khẩu vụ đông thu nhập gấp 4-5 lần cấy lúa… Còn ở các huyện có chân đất cát pha, cơ giới nhẹ như Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Giao Thủy… mô hình luân canh 3-5 vụ mỗi năm như các xã: Minh Tân, Kim Thái, Đại An, Trung Thành, Liên Bảo (Vụ Bản); Yên Dương, Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Cường, Yên Thắng (Ý Yên); Nam Hồng, Nam Giang, Nam Dương, Nam Hoa (Nam Trực); Giao Phong, Giao Yến, Giao Thịnh (Giao Thủy)… Ngoài những cánh đồng màu, các cánh đồng cao cũng đang "màu hóa", hình thành những vùng vụ đông phát triển bền vững.

Vấn đề đặt ra là trồng cây vụ đông phải tạo đầu ra và hình thành vùng vụ đông như theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp các địa phương đã hoạch định. Một số địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông và gần các thị trấn, thành phố… cây vụ đông phát triển mạnh vì có thị trường tiêu thụ, nhưng ở những xã xa trung tâm rất khó mở rộng diện tích trồng cây vụ đông chủ yếu là không tiêu thụ được sản phẩm. Vì vậy, Ban Nông nghiệp xã và HTX dịch vụ cần nêu cao vai trò chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông cho nông dân./.

Bài và ảnh: Tuấn Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com