Sản xuất cơ khí ở các làng nghề tiếp tục tăng trưởng

09:11, 06/11/2011

 

Gia công chi tiết máy tại Cty CP Thanh Bằng (Xuân Trường).  Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết
Gia công chi tiết máy tại Cty CP Thanh Bằng (Xuân Trường).

Từ đầu năm đến nay, sản xuất cơ khí ở các làng nghề trong tỉnh tiếp tục ổn định và có sự tăng trưởng. Trong 9 tháng năm 2011, ngành sản xuất cơ khí trong tỉnh đạt giá trị gần 1.800 tỷ đồng, trong đó sản xuất của các doanh nghiệp, các hộ thuộc làng nghề đạt gần 970 tỷ đồng.

Ngành sản xuất cơ khí huyện Xuân Trường tập trung tại 2 làng nghề Xuân Tiến, Xuân Kiên. Các doanh nghiệp, các hộ thuộc làng nghề đều tích cực đổi mới công nghệ, thiết bị phát triển sản phẩm truyền thống, chế tạo được các loại sản phẩm mới có tính cạnh tranh đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất tập trung duy trì và phát triển các mặt hàng truyền thống, không ngừng tìm tòi, chế tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Sản lượng máy tuốt lúa của Xuân Trường đạt 5.000-6.000 chiếc/năm. Một số doanh nghiệp đã tìm cho mình hướng đi riêng để phát huy lợi thế về tay nghề, cơ sở vật chất và vốn. Doanh nghiệp tư nhân Tân Việt với sản phẩm máy tuốt lúa đã tích cực nghiên cứu cải tiến để sản xuất những máy tuốt lúa có kiểu dáng đẹp, có thời gian vận hành liên tục nhiều giờ. Cty TNHH Thiên Phú lựa chọn chế tạo các loại máy phục vụ chăn nuôi như máy thái rau, củ, quả, cây chuối, máy đùn ép cám viên, máy sấy; máy băm nghiền rơm rạ phục vụ trồng nấm. Cty TNHH Cơ khí An Cường Việt chế tạo được các loại máy phục vụ xây dựng như máy đập đá, máy trộn bê tông, xe rùa bánh hơi; các thiết bị khai khoáng, tàu khai thác vàng sa khoáng... Cty CP Thanh Bằng chuyên sản xuất các loại máy phục vụ xây dựng, nông nghiệp, sản xuất VLXD không nung. Cũng như các doanh nghiệp khác của làng nghề, Cty luôn lấy chất lượng sản phẩm để tạo uy tín, mở rộng thị trường. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng các mặt hàng cùng chủng loại, Cty luôn bố trí đúng năng lực người thợ, khuyến khích sự năng động sáng tạo, luôn đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp điều kiện sản xuất. Cty TNHH Chế tạo điện cơ AXUZU mỗi năm chế tạo gần 10 nghìn động cơ điện, máy phát điện. Có được kết quả trên, do Cty đã định hướng đúng, có bước đi thích hợp sau khi tìm hiểu kỹ thị trường. Ngoài việc sử dụng lao động từ làng nghề, Cty tuyển dụng 50% công nhân có trình độ từ trung cấp, cao đẳng nghề và một số kỹ sư chuyên ngành. Sản phẩm của Cty được tiêu thụ tại nhiều địa phương trong nước.

Giá trị sản xuất ngành cơ khí 9 tháng năm 2011 của huyện Nam Trực ước đạt gần 550 tỷ đồng, chiếm 61% giá trị toàn ngành và tăng 22,6% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp cơ khí tại các làng nghề Đồng Côi, Vân Chàng, Bình Yên phát triển ổn định và từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ. Toàn huyện có 32 doanh nghiệp và trên 1.600 cơ sở sản xuất đang hoạt động. Ngoài các mặt hàng truyền thống như cuốc, xẻng, phụ tùng xe máy, xe đạp..., các doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, đổi mới thiết bị, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã sản xuất được những mặt hàng có chất lượng như phụ tùng máy dệt, thiết bị cho ngành điện, ngành Bưu chính viễn thông. Cty TNHH Việt Thắng, Cty TNHH Cơ khí cầu đường Hà Ninh đạt doanh thu ước trên 50 tỷ đồng. Anh Lê Văn Thắng, Giám đốc Cty Việt Thắng cho biết: Mặc dù gặp khó khăn do lạm phát, chính sách tiền tệ nhưng Cty đã chủ động vốn từ nhiều nguồn nên vẫn duy trì sản xuất ổn định. Để giữ vững và mở rộng thị trường, Cty đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã, tạo ra các sản phẩm đa dạng. Cty tạo điều kiện cho công nhân học tập nâng cao trình độ, tay nghề và nhận những người đã qua đào tạo vào làm việc. Cty bảo đảm việc làm cho 50-60 lao động với mức thu nhập 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.

Làng nghề cơ khí đúc Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) chuyên sản xuất gia công các chi tiết máy phục vụ khai thác mỏ, ngành GTVT, sản xuất xi măng... Các doanh nghiệp của làng nghề đã đổi mới công nghệ chuyển từ lò đúc sử dụng than sang lò đúc sử dụng điện, chủ động mời các nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu về hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc đổi mới thiết bị, công nghệ đã giúp các doanh nghiệp vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa góp phần bảo vệ môi trường bảo đảm phát triển bền vững. Làng nghề đã có sự liên kết trong sản xuất, phân chia công đoạn, mặt hàng, thực hiện nhanh chóng các hợp đồng đã ký với khách hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làng nghề đã thành lập Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên. Hiệp hội đã xây dựng trang web để giới thiệu về các doanh nghiệp thành viên và sản phẩm, tổ chức các buổi tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật. 9 tháng năm 2011, các doanh nghiệp của làng nghề đã đạt doanh thu trên 730 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng từ 15-20% như Cty CP Cơ khí đúc Cửu Long, Cty TNHH Cơ khí đúc Tiến Đạt, Cty TNHH Cơ khí đúc Nam Ninh, Cty TNHH Cơ khí đúc Toàn Thắng, doanh nghiệp tư nhân Vũ Đại...

Để các doanh nghiệp làng nghề cơ khí ổn định và tiếp tục phát triển rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất như: tổ chức cho các doanh nghiệp, doanh nhân được tham quan học tập kinh nghiệm; tăng cường tiếp nhận, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất; chủ động khai thác các nguồn vốn để đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và thiết bị./.

Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com