Những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao ở ngoại thành Nam Định

08:11, 24/11/2011

Những năm gần đây, mặc dù diện tích đất nông nghiệp ở các xã ngoại thành Nam Định bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng kinh tế nông nghiệp của thành phố vẫn tăng trưởng. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, thành phố đã chỉ đạo 5 xã ngoại thành tích cực đưa các giống cây, con mới hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Từ đầu năm 2011 đến nay,  Phòng Kinh tế thành phố đã tổ chức 10 lớp tập huấn phổ biến kiến thức về trồng cây cảnh nghệ thuật, trồng địa lan, nuôi cá cảnh, nuôi gà an toàn sinh học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa bằng phương pháp gieo sạ hàng, cơ giới hóa khâu thu hoạch…, thu hút gần 1.000 lượt hộ dân tham gia. Thành phố cũng đã tổ chức cho các hộ dân ở các xã ngoại thành đi tham quan mô hình trồng tỏi tây, hành tây và chăn nuôi ở Thành phố Hà Nội và các tỉnh Thái Bình, Vĩnh Phúc để học tập kinh nghiệm sản xuất; đồng thời hỗ trợ về kinh tế và kỹ thuật cho những hộ dân đầu tư xây dựng mô hình kinh tế mới. Trong năm 2011, thành phố đã hỗ trợ  6 mô hình phát triển kinh tế, tổng giá trị gần 300 triệu đồng, tiêu biểu là mô hình nuôi gà đặc sản (gà móng) ở xóm Đồng Ích, thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gà móng là giống gà đặc sản thịt mềm, ngọt, thơm… được nuôi tại xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Đây là giống gà có nhiều ưu điểm: sức chống chịu bệnh tật tốt, thích nghi với nhiều vùng sinh thái, thích hợp với các phương thức nuôi nhốt hoặc kết hợp với thả vườn…, thức ăn đa dạng gồm thóc, gạo, ngô, bột sắn... Gia đình chị Vũ Thị Lụa nuôi 250 con gà giống, sau 6 tháng, đã cho thu lứa trứng đầu tiên. Để chủ động nguồn giống cho gia đình và cung ứng cho các hộ dân quanh vùng, chị đã cho ấp trứng theo phương thức công nghiệp, tỷ lệ trứng ấp nở đạt 80%. Sau thời gian úm và nuôi vỗ thêm 6 tháng, gà móng đã đạt trọng lượng 3-3,5kg/con, có thể xuất bán gà thịt. Hiện tại, giá bán gà móng thương phẩm trên thị trường là 130-150 nghìn đồng/kg, cao hơn giá bán gà ta 20-25% và có sức mua lớn, đặc biệt là các nhà hàng, khách sạn. Ước tính thu lãi từ gà thịt đạt khoảng 60 nghìn đồng/con. Sau một năm vừa nuôi gà thịt, vừa nhân giống gà móng, gia đình chị Lụa đã thu lãi từ 25-30 triệu đồng. Từ mô hình nuôi gà móng của gia đình chị Lụa, đến nay, đã có hàng chục hộ dân ở xã Nam Phong đã tìm hiểu cách nuôi gà móng và có xu hướng mở rộng chăn nuôi với quy mô lớn.

Mô hình nuôi gà móng chất lượng cao tại gia đình chị Vũ Thị Lụa, thôn Đồng Ích, xã Nam Phong (TP Nam Định).
Mô hình nuôi gà móng chất lượng cao tại gia đình chị Vũ Thị Lụa, thôn Đồng Ích, xã Nam Phong (TP Nam Định).

Gia đình anh Hoàng Văn Đạt ở xóm 2, thôn Lương Xá, xã Lộc Hòa đầu tư trên 100 triệu đồng mua 5 con hươu sao nuôi lấy nhung và sinh sản. Trong khẩu phần thức ăn của hươu, rau xanh chiếm 30%, còn lại là tinh bột nên rất tiện chăm sóc. Hươu sao nuôi sau 2 năm tuổi đã bắt đầu sinh sản và cho thu hoạch nhung. Bình quân mỗi năm, 1 con hươu sao có thể cho khoảng 0,4-0,6kg nhung và kéo dài trong 18-25 năm nếu được chăm sóc tốt. Hiện tại, nhu cầu sử dụng nhung hươu trên thị trường rất lớn, giá bán bình quân 14 triệu đồng/kg. Hươu sao giống 5 tháng tuổi có trọng lượng 20-25kg, giá bán khoảng 20 triệu đồng/cặp, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Đạt thu lãi hàng trăm triệu đồng. Anh Đạt cho biết: Nuôi hươu sao không tốn thời gian và công chăm sóc nhưng hiệu quả hơn nuôi trâu, bò… Hươu sao lại có sức kháng bệnh cao. Việc làm chuồng trại cũng đơn giản hơn nhưng phải chú ý đặc tính của con vật để tạo không gian vườn, chuồng kết hợp để hươu vừa được chăn thả, vừa được tự do kiếm thức ăn. Trước và sau mùa cắt nhung hoặc sinh sản, phải tăng thêm lượng thức ăn cho hươu để tăng sức đề kháng, chống viêm nhiễm. Mô hình nuôi hươu cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với những lao động lớn tuổi tại nông thôn.

Bên cạnh những mô hình chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao, thành phố còn tổ chức cho nông dân các xã ngoại thành tham quan mô hình trồng cây cảnh ở các huyện Nam Trực, Hải Hậu và hướng dẫn các hộ dân thí điểm mô hình trồng cây sanh nghệ thuật. Với lòng đam mê cây cảnh, anh Trần Đình Nguyên ở xã Mỹ Xá đã cải tạo khu vườn tạp của gia đình và đầu tư gần 200 triệu đồng mua 500 cây phôi về chăm sóc, uốn tỉa. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm các nghệ nhân trong Hội Sinh vật cảnh tỉnh, anh Nguyên đã uốn tỉa 500 cây phôi với nhiều kiểu dáng và ghép cây thành bộ 3, bộ 4 như: Sanh Phúc Lộc, Tứ quý, Tam Long… nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ngay trong năm đầu tiên, thu nhập từ bán cây cảnh đã đem lại cho gia đình anh Nguyên gần 100 triệu đồng. 

Chọn con giống đặc sản, cây trồng có giá trị để phát triển và nhân rộng thành sản phẩm hàng hóa đang là hướng đi đúng của nông dân các xã ngoại thành Nam Định./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com