Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại các khu, CCN

09:11, 03/11/2011

Hiện nay công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu, CCN trong tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. KCN Hoà Xá (TP Nam Định) đi vào hoạt động từ năm 2003, ước tính mỗi ngày các doanh nghiệp xả thải khoảng 1.500m3 nước. Kết quả phân tích mẫu nước thải từ KCN tại cửa xả thải trước khi chảy ra sông Vĩnh Giang của Đoàn thanh tra môi trường Tổng cục Môi trường (Bộ TN và MT) cho thấy có 5 thông số vượt tiêu chuẩn so với QCVN24:2009/BTNMT, trong đó 3 thông số vượt dưới hai lần, có hai thông số vượt từ 2 đến 5 lần. Các loại khí thải, chất thải rắn phát sinh từ các doanh nghiệp vẫn do doanh nghiệp tự quản lý và xử lý. Đa số các doanh nghiệp đã thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và cam kết BVMT nhưng chỉ mang tính đối phó; nhiều Cty chưa đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại (CTNH); số doanh nghiệp đã được cấp sổ chưa thực hiện tốt việc quản lý CTNH. Điều đáng nói là có nhiều Cty không nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường định kỳ hằng năm, đa số các doanh nghiệp chưa được cấp phép xả thải và chưa có công trình xử lý nước thải, khí thải. Một số ít doanh nghiệp có công trình xử lý nước, khí thải nhưng hiệu quả hoạt động thấp. Tại KCN Mỹ Trung, chủ đầu tư xây dựng chưa thực hiện trách nhiệm quản lý môi trường KCN theo quy định của pháp luật, chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải đã đi vào hoạt động. Với tổng số 10 dự án được cấp phép đầu tư, đến nay vẫn còn 4 dự án chưa có xác nhận bản cam kết BVMT, còn 3/5 cơ sở đã đi vào hoạt động chưa được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải đối với CTNH. Nước thải phát sinh từ 5 cơ sở đang hoạt động được các cơ sở tự xử lý sau đó thải ra hệ thống nước thải của Thành phố Nam Định. Việc thu gom chất thải rắn thông thường do các doanh nghiệp hợp đồng với Cty TNHH MTV Môi trường Nam Định thực hiện. Tại KCN tàu thủy Vinashin chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa hoàn thành xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, nước thải theo quy định; chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; chưa thực hiện quan trắc giám sát môi trường định kỳ, tỷ lệ cây xanh còn quá ít. Tại 20 CCN trên địa bàn tỉnh, có tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 2.500 m3/ngày đêm nhưng vẫn chưa được xử lý theo quy định, cả 20 CCN chưa thực hiện việc quan trắc môi trường; 1 CCN chưa có cán bộ phụ trách công tác môi trường; 17 CCN chưa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Với 351 dự án đã đi vào hoạt động trong tổng số 437 dự án đầu tư thì 253 cơ sở chưa có bản cam kết BVMT, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án BVMT được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; 292 cơ sở chưa được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện việc quan trắc giám sát môi trường định kỳ theo quy định.

Trước thực trạng trên, thời gian qua bằng nguồn ngân sách, kinh phí sự nghiệp môi trường hằng năm và nỗ lực huy động nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác, tỉnh ta đã đầu tư tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cho một số trọng điểm nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Tại KCN Hòa Xá, UBND tỉnh đã đầu tư 34 tỷ đồng xây dựng Trạm xử lý nước thải bằng công nghệ tiên tiến, công suất 4.500 m3/ngày đêm. Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Xá được khởi công từ cuối năm 2008 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng từ đầu năm 2010. Trạm xử lý nước đã được vận hành thử, Cty CP Kỹ thuật Seen - nhà thầu thi công đã bàn giao, đưa công trình vào hoạt động nhưng sau đó, hệ thống bể lắng của trạm có hiện tượng bị lún nên phải cải tạo, đến nay vẫn chưa được vận hành lại. Dự án xử lý nguồn nước thải có chứa kim loại rắn tại làng nghề Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) được triển khai từ năm 2007 với sự hỗ trợ của Bộ KH và CN và Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức thông qua dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước, sau khi đi vào hoạt động, dự án này đã phát huy hiệu quả, thực hiện thu hồi, phân lọc xử lý toàn bộ lượng nước thải sau sản xuất của các hộ tại làng nghề nhưng sau khi hết giai đoạn hỗ trợ, dự án cũng bị gián đoạn hoạt động do không có kinh phí duy trì vận hành…

Cán bộ Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Hòa Xá kiểm tra hoạt động của hệ thống.
Cán bộ Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Hòa Xá kiểm tra hoạt động của hệ thống.

Đồng chí Bùi Công Mậu, Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN và MT) cho biết: Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, CCN đã diễn ra trong nhiều năm, do nhận thức chưa đầy đủ từ cơ quan quản lý, tới các ban, ngành và người dân về vấn đề BVMT nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Bên cạnh đó Luật Bảo vệ môi trường ra đời năm 2005 nhưng ở thời điểm đó nhiều khu, CCN đã hình thành, theo quy định, các khu, CCN phải đánh giá tác động môi trường nhưng trên thực tế điều này không được thực hiện. Theo Thông tư 08 về BVMT trong các khu kinh tế, khu, CCN và khu công nghệ cao do Bộ TN và MT ban hành đã quy định, đến tháng 12-2010, các KCN phải hình thành xong các hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng việc thực hiện quy định này gặp khó khăn do vốn đầu tư và  tỷ lệ lấp đầy tại các khu, CCN không đạt khiến cho nhà máy xử lý chất thải tập trung không thể hoạt động hết công suất, không đảm bảo chi phí hoạt động. Đặc biệt, việc thi hành pháp luật về BVMT trong các khu, CCN theo quy định ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt. Trong năm 2010, ngành TN và MT mới chỉ tiến hành kiểm tra tại 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh và thanh tra tại 8 đơn vị đã phát hiện và đề nghị xử phạt 17 cơ sở vi phạm với số tiền phạt 93 triệu đồng. Với mức độ vi phạm các quy định BVMT nêu trên thì số lượng, mức độ xử phạt chưa đủ hạn chế vi phạm… Thời gian tới, để tích cực khắc phục tình trạng yếu kém trong công tác BVMT tại các khu, CCN, các ngành chức năng, các đơn vị có liên quan cần thực hiện nghiêm Luật BVMT, Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Trong đó, phải khẩn trương tập trung khắc phục các nhược điểm về lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các khu, CCN, tách loại hệ thống nước thải, nước mưa, đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải thu gom xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, CTNH. Tăng cường trồng cây xanh bảo đảm đạt tối thiểu từ 20-25% diện tích đất sử dụng trong sản xuất. Xác định rõ trách nhiệm BVMT của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chú trọng xác định trách nhiệm xử lý các chất thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi xả thải ra môi trường. Trong quá trình phê duyệt, cấp phép đầu tư, cần ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư có công nghệ thân thiện với môi trường và không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt quy hoạch phân khu trong các khu, CCN. Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về BVMT và nghiên cứu lập quỹ BVMT, đề xuất cơ chế, chính sách vay vốn ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề xử lý chất thải, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các khu, CCN…

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com