Nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

09:11, 19/11/2011

Để góp phần nâng cao trình độ tay nghề sản xuất, tạo việc làm, nâng cao giá trị thu nhập, cải thiện đời sống vật chất cho người lao động vùng nông thôn, những năm qua các cấp, các ngành chức năng đã huy động nhiều nguồn kinh phí, thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo nghề tại vùng nông thôn. Năm 2010, từ các dự án khuyến công, khuyến nông và triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có trên 21 nghìn lao động nông thôn được học nghề, trong đó có trên 5.000 lao động học nghề ngắn hạn miễn phí. Số người lao động có việc làm sau khi đào tạo đạt trên 85%, mức thu nhập 1,2-1,8 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2011, các địa phương tiếp tục đào tạo các nghề: thêu ren, nuôi cá nước ngọt; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây cảnh  cho hàng chục nghìn lao động nông thôn. Các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề đã góp phần giúp nhiều địa phương khôi phục được nghề truyền thống, phát triển nghề mới. Tuy nhiên, trên thực tế tại nhiều địa phương trong tỉnh, các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Đào tạo nghề tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.
Đào tạo nghề tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.

 Đồng chí Trần Thị Nhài, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Phong (TP Nam Định) cho biết: Thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân tham gia đào tạo nghề theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2010, Hội Phụ nữ xã đã vận động hội viên theo học nghề may. Tuy nhiên đến nay, trong tổng số 1.449 hội viên không có việc làm trong giai đoạn nông nhàn, vẫn chưa có hội viên tham gia chương trình hỗ trợ đào tạo nghề. Lý do là nghề may thu nhập không cao, trong khi trồng cây cảnh từ lâu đã là nghề chính nên mọi người có nhu cầu được đào tạo nghề trồng cây cảnh. Như vậy, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề ở xã Nam Phong đạt hiệu quả thấp là do các ngành chức năng chưa chọn được ngành nghề đào tạo phù hợp với địa phương. Ở Trung tâm đào tạo nghề huyện Nam Trực, số lao động nông thôn theo học nghề ở trung tâm rất ít. Tại lớp học nghề may công nghiệp có 3 học viên (theo lời giới thiệu của nhà trường) nhưng khi chúng tôi đến lớp học, chỉ có một học viên đang học; hai học viên đã xin tạm nghỉ với lý do gia đình thu hoạch lúa… Nguyên nhân Trung tâm Dạy nghề huyện không thu hút được học viên theo học ngay cả khi đã được hỗ trợ kinh phí đào tạo là do đặc thù lao động ở khu vực nông thôn đa dạng về đối tượng, độ tuổi, khả năng tiếp thu, điều kiện học tập khác nhau nên mô hình dạy nghề theo hình thức tập trung khó phát huy hiệu quả. Ngoài ra, nếu chỉ vận động người lao động theo học mà chưa chứng minh cho họ thấy hiệu quả sau khi học, không tạo điều kiện, cơ hội để họ được tiếp cận với các doanh nghiệp để làm nghề sau khi học thì nhiều người vẫn bỏ học. Bên cạnh đó, do kinh phí hỗ trợ đào tạo hạn chế trong khi nhiều ngành nghề như sản xuất cơ khí, đúc đồng… chi phí đào tạo vượt xa kinh phí được hỗ trợ nên không tránh được tình trạng phân bổ đối tượng học không sát với nhu cầu, trong khi đó người theo học lại không thực sự có nhu cầu làm nghề. Tình trạng này thường xảy ra do nhóm đối tượng nghèo tuy không có nhu cầu làm việc nhưng họ sẵn sàng đăng ký theo học vì được nhận một khoản kinh phí hỗ trợ đào tạo. Đồng chí Đỗ Văn Trung, Trưởng phòng LĐ-TB và XH huyện Ý Yên cho biết, trong chương trình hỗ trợ đào tạo nghề năm 2010, huyện đã đào tạo các nghề may, thêu ren, chăn nuôi cho 180 hộ nghèo và 200 lao động nông thôn; đã có 75% học viên tìm được việc làm sau đào tạo. Nhưng tỷ lệ trên không duy trì được lâu dài, việc chuyển đổi công việc vẫn diễn ra thường xuyên. Nguyên nhân do trong quá trình làm việc, một số lao động muốn thay đổi nơi làm để tìm kiếm mức thu nhập cao hơn, cũng có một số lao động không chủ động nâng cao trình độ nên không đáp ứng yêu cầu khi các doanh nghiệp nâng cấp, cải tiến thiết bị, quy trình sản xuất…

Bên cạnh những tồn tại, hạn chế kể trên, tại nhiều địa phương như Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu, ngay khi bắt đầu thực hiện đề án, đã khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân và xây dựng được chương trình đào tạo gồm 12 nghề; trong đó hàn điện, máy công nghiệp, đan, thêu, móc là các nghề thị trường lao động có nhu cầu cao; tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn khu dân cư, dạy nghề gắn với sản xuất, vừa học vừa làm, đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở địa phương là những người có tay nghề, nghiệp vụ sư phạm làm công tác tuyên truyền nghề, dạy nghề. Nhờ đó, Trung tâm đã triển khai thành công đề án dạy nghề của tỉnh với khối lượng lao động nông thôn tham gia học nghề lớn nhất tỉnh và hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc. Một số học viên sau khi được học nghề còn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động khác. Doanh nghiệp Cao Cường xã Trực Tuấn (Trực Ninh), từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" đến nay, doanh nghiệp đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định và chính quyền địa phương mở gần hai chục lớp dạy nghề mây tre đan, bẹ chuối, may công nghiệp cho 360 lao động của huyện Trực Ninh; phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) mở 5 lớp dạy nghề tương tự cho 150 lao động của các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy theo hướng "cầm tay chỉ việc", "học đi đôi với hành", tạo cho học viên tay nghề vững. Nhờ đó, trong giai đoạn vừa qua, khi nhiều doanh nghiệp "lao đao" thiếu các đơn hàng thì Cty vẫn đảm bảo sản xuất và có thêm nhiều hợp đồng dài hạn nhờ vào hệ thống chân rết là những lao động đã được đào tạo tại doanh nghiệp. Tại huyện Ý Yên, từ đầu năm 2011 đến nay, nhờ áp dụng phương pháp tổ chức đào tạo nghề sau khi khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và chủ động gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của chính các doanh nghiệp ở địa phương nên đã thu hút 1.200 lao động tham gia học trong 36 lớp, đào tạo các nghề mây tre đan, thêu ren, móc sợi, sơn mài, sản xuất nông nghiệp, đúc đồng, sản xuất đồ gỗ. Đến nay, số học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề nông nghiệp đã biết áp dụng quy trình và các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, cây trồng, tăng thu nhập. Tại các nghề phi nông nghiệp, người lao động sau chương trình đào tạo nghề cũng được các doanh nghiệp nhận vào làm việc đã đáp ứng được yêu cầu về trình độ.

Để nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong thực hiện đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” từ nay đến năm 2020, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung thực hiện các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề theo hướng đồng bộ và đặc biệt phải đánh giá nhu cầu của các nhóm đối tượng, tránh tình trạng đào tạo không địa chỉ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác nghiên cứu dự báo, đào tạo nghề cho nông dân theo phương pháp “lấy người học làm trung tâm”. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, biên soạn tài liệu, khảo sát nhu cầu việc làm, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, tập trung giáo viên làm công tác tuyển sinh... Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở dạy nghề, trong đó tập trung đầu tư cho các trường cao đẳng nghề, 4 trường trung cấp nghề, 6 trung tâm dạy nghề cấp huyện và trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh). Ưu tiên cho 8 cơ sở dạy nghề đã được Bộ LĐ-TB và XH hỗ trợ đầu tư bằng kinh phí của Dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục - đào tạo". Mỗi cơ sở dạy nghề tập trung đầu tư trọng điểm về thiết bị cho 1 đến 3 nghề chủ lực để xây dựng thương hiệu của cơ sở, ưu tiên đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề đối với cơ sở dạy các nghề truyền thống và thương mại - du lịch - dịch vụ; tăng cường nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên tham gia vào các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com