Mô hình liên kết 3 nhà (nhà nông - người học, nhà trường - người đào tạo, nhà sử dụng lao động - doanh nghiệp) đang bước đầu phát huy hiệu quả và khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh.
Lớp dạy nghề thêu tranh cho người lao động ở xã Hải Đường (Hải Hậu).
Ảnh:
Hoàng Long
|
Là một trong 11 xã trên cả nước được chọn thí điểm xây dựng xã nông thôn mới, xã Hải Đường (Hải Hậu) cũng là nơi tiên phong thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của tỉnh”. Với đặc trưng là một xã thuần nông, người lao động quanh năm chỉ xoay sở với hai vụ lúa và phần đông lao động của Hải Đường ly hương đi làm ăn xa. Theo lời chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thị Chiên, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu, ban đầu Trung tâm đã rất trăn trở trong việc dạy nghề gì cho người dân nơi đây để sau khi học nghề họ có việc làm, thu nhập ổn định và hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ Hải Đường xây dựng nông thôn mới. Nhưng rồi được sự hỗ trợ của chính quyền xã, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu đã dạy nghề đan bẹ chuối, cói, dệt đay, gỗ mỹ nghệ cho gần 100 lao động của xã. Ngoài một số lao động sau học nghề được trung tâm bố trí việc làm tại các DN trong huyện, số còn lại được các DN thu mua sản phẩm. Mới đây, UBND xã Hải Đường đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cty Haprosimex Giao Thủy đào tạo nghề may công nghiệp cho 300 lao động của xã. Sau khi học nghề, số lao động này được DN nhận vào làm việc với mức thu nhập từ 1,8-2 triệu đồng/người tháng.
Hoạt động đào tạo nghề gắn với mở rộng cơ sở sản xuất vệ tinh của doanh nghiệp Cao Cường (xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh) cũng là một trong những điển hình về hiệu quả của mô hình liên kết 3 nhà ở tỉnh ta. Từ năm 2010 đến nay, doanh nghiệp Cao Cường đã kết hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Trực Ninh và chính quyền địa phương tổ chức dạy nghề đan mây tre, bẹ chuối, may công nghiệp cho 450 lao động các huyện Trực Ninh, Nam Trực, Giao Thủy. Tham gia công tác đào tạo nghề, theo lời ông Trần Trọng Hóa, Giám đốc Cty Cao Cường, không chỉ đơn giản là giúp người dân có nghề, có việc làm và thu nhập mà chính bản thân doanh nghiệp cũng rất có lợi khi được bổ sung thêm đội ngũ lao động có tay nghề. Ví như Cty Cao Cường, ngoài đội ngũ công nhân cố định, Cty còn có hàng ngàn lao động vệ tinh tại 18 xã trong huyện. Số lao động này phần lớn đều đã được đào tạo nên chất lượng sản phẩm được đảm bảo, qua đó Cty giảm được tiêu hao nguyên liệu do phải loại bỏ những sản phẩm không đạt chất lượng và tạo được uy tín đối với khách hàng.
Với kinh nghiệm làm công tác đào tạo nghề lâu năm, tại một cuộc hội thảo về đào tạo nghề được tổ chức gần đây, đồng chí Nguyễn Thị Chiên cho biết, với người nông dân, khi học nghề, điều quan tâm đầu tiên của họ là khi học xong họ sẽ làm gì và ở đâu. Vì vậy, để khuyến khích được lao động nông thôn học nghề, điều đầu tiên là phải tạo việc làm, tạo thu nhập cho họ. Để làm được điều này lại rất cần đến sự chung tay của toàn xã hội và mô hình liên kết 3 nhà trong đào tạo nghề đã được chứng minh tính hiệu quả, là một giải pháp rất khả thi./.
Theo: TTXVN