Hải Trung dồn điền đổi thửa

07:11, 15/11/2011

Trung tuần tháng 10-2011, trước khi thu hoạch lúa mùa, nông dân xã Hải Trung (Hải Hậu) đã háo hức việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Các hộ hỏi thăm nhau về thửa ruộng mới, rồi bàn bạc nên tổ chức cấy loại lúa gì cho 2 vụ xuân, mùa và vụ đông năm sau trồng cây gì cho hiệu quả. Cán bộ ban DĐĐT của xã, tiểu ban DĐĐT của xóm chuẩn bị cọc để cắm mốc giới, phân định đất dùng cho xây dựng đường giao thông, cho kênh mương; dự tính khối lượng công đào đắp, lên kế hoạch làm thủy lợi nội đồng… Sau khi thu hoạch lúa mùa, các hộ nhận ruộng ở vị trí mới để chuẩn bị bước vào sản xuất vụ xuân năm 2012.

Làng quê Hải Trung đổi mới.
Làng quê Hải Trung đổi mới.

Mục tiêu của DĐĐT ở Hải Trung lần này là dồn toàn bộ quỹ đất công vào những nơi quy hoạch để xây dựng các công trình phúc lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế theo 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa như: Vùng cấy 2 vụ lúa và trồng cây vụ đông, vùng sản xuất lúa giống, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng chuyển đổi sang trồng màu và phát triển trồng hoa cây cảnh, vùng chuyển đổi sang nuôi thủy sản và nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại, vùng cho phát triển nghề và sản xuất công nghiệp…, giảm tối đa số thửa ruộng canh tác cho mỗi hộ, từ bình quân 3 thửa xuống còn 1 thửa. Vận động nhân dân hiến đất để xây dựng đường giao thông nội đồng và thủy lợi, mở rộng và bê tông hóa dong ngõ. Vận động nông dân đồng thuận trong DĐĐT để vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất vừa đoàn kết gắn bó tình làng, nghĩa xóm. Ở xóm 17 có nhiều đảng viên, cán bộ và nông dân sẵn sàng nhận phần ruộng chưa tốt, ruộng xa, ruộng ven làng…, nhường ruộng tốt, ruộng dễ canh tác, thuận lợi tưới tiêu cho những hộ có khó khăn. Kinh nghiệm vận động các hộ nông dân nhận phần khó khăn về mình từ xóm 17 được nhân lên tại các xóm còn lại nên những vướng mắc trong DĐĐT giảm hẳn. Đồng chí Nguyễn Văn Hạnh, Bí thư Chi bộ, trưởng tiểu ban DĐĐT xóm 12 cho biết: “Nếu so với các xóm khác, DĐĐT ở xóm 12 có độ xáo trộn nhiều hơn, nhưng với cách làm dân chủ, công khai, làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người hiểu chủ trương và với sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đến nay, khi công khai phương án chia tại thực địa, chưa có hộ nào thắc mắc, kiến nghị…”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Đình Sỹ, Bí thư Đảng ủy, trưởng ban DĐĐT xã bộc bạch: “Để có kết quả như hôm nay, các ý kiến, kiến nghị của đảng viên, cán bộ và nhân dân đều được Ban chỉ đạo DĐĐT trả lời trực tiếp. Kinh nghiệm của chúng tôi là công khai, dân chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và lấy đơn vị thôn đội làm cơ sở để DĐĐT”. Ngay từ cuối tháng 11-2010, Huyện ủy Hải Hậu đã ban hành đề án DĐĐT và tháng 1-2011 UBND huyện đã có kế hoạch chỉ đạo thực hiện DĐĐT. Theo đó, UBND huyện hỗ trợ 25 triệu đồng cho mỗi xã loại 1 và 20 triệu đồng cho các xã, thị trấn còn lại; hỗ trợ 100% chi phí cấp GCNQSDĐ cho các hộ; các xã, thị trấn hoàn thành trong năm 2011 được thưởng 10 triệu đồng/xã… Hải Trung là một trong những xã đi đầu được Hải Hậu chọn làm điểm DĐĐT. Tháng 3-2011, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo và thành lập ban chỉ đạo DĐĐT của xã, các tiểu ban DĐĐT tại các xóm, đội. Cùng với triển khai nghị quyết, kế hoạch DĐĐT từ Đảng bộ đến các chi bộ thôn, xóm và họp nhân dân, công tác đo đạc thực tế diện tích, xác định vị trí ruộng cho từng xóm đã được triển khai ngay. Đảng ủy, chi bộ lãnh đạo, cán bộ điều hành và lấy xóm đội là đơn vị cơ sở. Sau gần 3 tháng vị trí, diện tích ruộng từng xóm đội đã được hoạch định trên bản đồ giải thửa với các quy hoạch giao thông, thủy lợi, vùng chuyên canh… được công khai, niêm yết ở tại khu dân cư để nhân dân biết, đóng góp ý kiến thảo luận. Cũng không ít các ý kiến trái chiều, những thắc mắc cá nhân… song sự gương mẫu của các đồng chí trong cấp ủy, đảng viên, cán bộ luôn nói đi đôi với làm, sẵn sàng nhận ruộng ở vị trí khó khăn và biết phân tích có lý, có tình khơi gợi tình làng nghĩa xóm, nên có sự đồng thuận, thống nhất cao. Bình quân khi giao ruộng đất lâu dài mỗi khẩu chỉ 8 miếng (278m2) nhưng khi bàn bạc để xây dựng đường ra đồng theo hướng cơ giới hóa và kiên cố hóa kênh mương, các hộ đã đồng lòng bớt 8m2 cho mỗi sào ruộng cấy. Theo phương án và giải thửa trên bản đồ sau DĐĐT, mỗi hộ ở Hải Trung cơ bản được canh tác trên một thửa. Một thành công nữa của Hải Trung là DĐĐT lần này là ruộng của các gia đình không có điều kiện canh tác như: già yếu, đi làm ăn xa, chuyển sang làm nghề, vắng mặt tại địa phương… đang cho anh em, người quen thuê đã nhất trí dồn về một vùng riêng, rất thuận tiện cho việc thuê, mượn, chuyển nhượng, sau này sẽ là khu chuyển đổi khuyến khích tích tụ ruộng đất theo hướng chuyên sản xuất hàng hóa, phát triển trang trại, gia trại tập trung. 14ha đất công ích trước kia nằm rải rác, xen ghép với ruộng giao ổn định lâu dài của các hộ thuộc 19 xóm bây giờ được gom gọn phục vụ cho quy hoạch phát triển đường giao thông, trạm xá, nhà văn hóa, khu thể thao, bãi rác thải…

Lấy dân làm gốc, công khai, dân chủ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, chính quyền; cán bộ công tâm, gương mẫu là yếu tố tạo nên sự thành công trong DĐĐT của Hải Trung./.

Bài và ảnh: Tuấn Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com