Yên Hưng khó khăn khi đưa nghề về xã

07:10, 03/10/2011

Xã Yên Hưng (Ý Yên) là vùng đất chiêm trũng, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Thời gian gần đây, xã đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp tư nhân, các cơ sở sản xuất đưa nghề về xã nhằm tạo việc làm, thu nhập thêm cho người dân. Tuy nhiên, các nghề mới được đưa về xã đều không duy trì được lâu hoặc hoạt động nhỏ lẻ.

Từ tháng 7-2009, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) phối hợp với doanh nghiệp tư nhân Anh Quyển ở xã Yên Tiến tổ chức lớp học nghề khảm vỏ trứng cho hơn 100 lao động của xã. Lớp học được trang bị một máy ly tâm, máy chẻ nan, máy vót nan và hai máy chà tay. Sau 3 tháng đào tạo nghề tại các cụm sản xuất hộ gia đình, các học viên đã có thể tạo ra sản phẩm. Anh Hà Văn Bằng ở xóm 9, thôn Trung Tiến cho biết: “Thời gian đầu, xưởng của gia đình thu hút hơn 20 lao động khảm vỏ trứng với thu nhập từ 25-30 nghìn đồng/người/ngày”. Nguồn nguyên liệu khá đơn giản với vỏ trứng được thu mua từ Hà Nội và các vùng lân cận với giá 10 nghìn đồng/kg. Tre nứa đặt mua tại các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Thanh Hóa. Mẫu mã hàng khảm vỏ trứng trên tre nứa ghép cũng khá đa dạng như bình, bát, đĩa và các vật dụng sinh hoạt khác… Doanh nghiệp tư nhân Anh Quyển thu gom và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho các cơ sở, hộ gia đình sản xuất. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian, bà con lần lượt bỏ nghề và đến nay chỉ còn duy nhất hộ anh Hà Văn Bằng còn gắn bó với nghề khảm vỏ trứng nhưng hoạt động chỉ cầm chừng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thu nhập của người lao động nghề không đảm bảo. Phần lớn lao động bỏ nghề vì có tâm lý so sánh thu nhập từ các nghề thủ công với các công việc thời vụ như cấy thuê, gặt thuê, lao động tự do mà không tính đến việc nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm để tạo ra thu nhập ổn định, bền vững của nghề mới. Thực trạng này cho thấy, người lao động không chỉ cần học nghề mà còn cần được trang bị và tư vấn đầy đủ hơn về thế mạnh của nghề cũng như tiềm năng phát triển của nghề giúp người lao động vững tin vào nghề mới, khắc phục khó khăn ban đầu, gắn bó với nghề. Thêm vào đó, nghề khảm vỏ trứng trên mây tre nứa ghép xuất khẩu thường gồm từ 5-6 công đoạn từ thô đến hoàn thiện sản phẩm như chẻ nan, vót nan, khuôn, tắm cổn keo, mài nhẵn, khảm vỏ trứng… Người lao động ở xã Yên Hưng mới đảm nhận các khâu chẻ nan, vót nan, tạo khuôn đế... xuất sản phẩm thô nên tiền công thấp hơn nhiều so với sản phẩm hoàn chỉnh. Nhưng người lao động do chưa yên tâm với nghề nên không tích cực học hỏi nâng cao tay nghề, đáp ứng đầy đủ các công đoạn sản xuất. Chính vì thế, nghề khảm vỏ trứng ở xã Yên Hưng chỉ dừng lại ở khâu sản xuất thô không thể hoàn chỉnh một sản phẩm.

Khó khăn về vốn đầu tư ban đầu cũng khiến các cơ sở sản xuất không quyết tâm đầu tư mở rộng sản xuất. Anh Bằng cho biết, 2 máy vót nan và máy chẻ đều do gia đình đầu tư còn nhà xưởng được anh tận dụng từ dự án trồng nấm trước đây. Trả lời vấn đề trên, anh Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, nghề khảm vỏ trứng trên tre nứa ghép xuất khẩu mới chỉ có kinh phí cho việc dạy nghề chưa có sự hỗ trợ sau đào tạo nghề. Trên thực tế qua phản ánh của người dân, người làm nghề không chỉ thiếu vốn, các hộ gia đình sản xuất chưa thực sự được xã quan tâm trong việc duy trì và phát triển nghề, nên chưa có biện pháp khắc phục tình trạng yếu kém và hỗ trợ người lao động về điều kiện sản xuất.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cũng nghề tre nứa ghép dù không được tổ chức dạy nghề trực tiếp tại xã nhưng nhiều lao động ở xã Yên Bình đã tự đi học nghề và về làm nghề có thu nhập khoảng 50 nghìn đồng/người/ngày công và yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.

Có thể thấy việc đưa nghề về Yên Hưng chưa thể phát triển một phần do người lao động chưa yên tâm với nghề, mặt khác thiếu sự quan tâm của chính quyền và chưa có các doanh nghiệp đủ mạnh tại làng nghề để tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người lao động. Khi nào đưa được nghề về Yên Hưng và nghề gì để tồn tại và phát triển, người nông dân “yên tâm” với nghề? Câu hỏi đó thuộc về cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể và chính người dân Yên Hưng./.

Đức Toàn

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com