Huyện Ý Yên có 15.637ha đất canh tác, với trên 70% dân số thu nhập từ nông nghiệp. Những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Hằng năm, cùng với việc ra nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân sau dồn điền đổi thửa, khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ nông dân trong vùng quy hoạch lập dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cùng với việc tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn phát triển kinh tế, hằng năm, huyện chú trọng chỉ đạo công tác khuyến nông và trích ngân sách hỗ trợ các địa phương và các hộ dân xây dựng mô hình mới trong sản xuất; tăng cường thực hiện liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ các địa phương thực hiện kiên cố hóa kênh mương, xây dựng trạm bơm, cầu cống; hỗ trợ xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản sau thu hoạch; hỗ trợ các mô hình áp dụng KHKT vào sản xuất… Với việc ban hành cơ chế chính sách đồng bộ hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo, định hướng cho các xã, thị trấn hướng dẫn, vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tổng diện tích cấy lúa của huyện hằng năm duy trì ổn định 26.500ha. Trong đó, diện tích cấy các giống lúa có chất lượng cao như Bắc Thơm số 7, Nam Định 1, N87, N97, Nàng xuân… chiếm 20-25% tổng diện tích cấy lúa; sản lượng thóc hàng hóa đạt 21-28 nghìn tấn, chiếm 15-20% sản lượng lúa hằng năm.
Diện tích chuyển đổi từ ruộng trũng sang mô hình trang trại tổng hợp tại xã Yên Mỹ (Ý Yên). |
Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, huyện Ý Yên phấn đấu đến năm 2015 tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 3,3-3,5%/năm; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác là 100 triệu đồng/năm, trong đó có 30-40% diện tích đất canh tác đạt giá trị trên 100 triệu đồng/năm. Để đạt được mục tiêu trên, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục dồn điền, đổi thửa, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vùng chăn nuôi tập trung, kết hợp với nuôi thủy, đặc sản và tích cực chuyển đổi diện tích ruộng trũng sang nuôi cá, kết hợp với cấy lúa… Các xã có truyền thống thâm canh cây màu tạo điều kiện để nhân dân chuyển đổi diện tích chân cao hạn, đất có thành phần cơ giới nhẹ sang trồng lạc xuân và một số các loại rau màu có giá trị kinh tế cao như bí xanh, dưa chuột, cà chua…; Tăng cường khảo nghiệm đưa các giống cây trồng mới vào thâm canh, đặc biệt là các giống lúa chất lượng cao như NĐ5, NĐ1, Nàng xuân, TBR 45, QR1… và các giống lạc mới phù hợp trình độ thâm canh nhằm nâng cao năng suất. Phát huy vai trò của các HTX dịch vụ nông nghiệp trong việc mở rộng diện tích sản xuất vụ đông gắn liền với tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường và bao tiêu sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất chuyên canh./.
Bài và ảnh: Hương Tú