Vụ Bản quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới

07:10, 05/10/2011
Trang trại chăn nuôi gà an toàn sinh học của gia đình anh Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng - Mô hình đang được huyện Vụ Bản đẩy mạnh phát triển.
Trang trại chăn nuôi gà an toàn sinh học của gia đình anh Triệu Đình Hợi,
xã Hợp Hưng - Mô hình đang được huyện Vụ Bản đẩy mạnh phát triển.

Để đạt giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua, huyện Vụ Bản đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Các cấp, các ngành trong huyện tập trung tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng NTM trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đến ngày 30-9-2011, toàn huyện đã hoàn thành và báo cáo thuyết minh đề án quy hoạch xây dựng NTM và đề án sản xuất nông nghiệp. Tại 6 xã làm điểm, công tác xây dựng NTM đã bám sát đề án được duyệt và tiến hành triển khai thực hiện đề án theo hướng ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ có khả năng nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các xã đều khẩn trương huy động, tiếp cận các nguồn vốn để xây dựng, tu bổ hệ thống các công trình thủy lợi nội đồng, giao thông phục vụ sản xuất, thu hoạch và xuất bán nông sản. Đến thời điểm này, xã Hiển Khánh đã đầu tư 25 tỷ đồng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; trong đó phân bổ 8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, tu bổ hệ thống kênh mương nội đồng. Tại xã Minh Thuận đã bố trí được nguồn kinh phí 6 tỷ đồng để xây dựng tuyến kênh nội đồng B18. Công tác dồn điền, đổi thửa cũng đang được các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nhằm quy hoạch, tích tụ ruộng đất, phấn đấu mỗi hộ xuống còn 1-2 mảnh, tạo nên các vùng sản xuất nông sản hàng hóa liền vùng, quy mô lớn. Riêng 6 xã làm điểm xây dựng NTM phấn đấu hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa trong năm 2011. Huyện cũng đã rà soát lại thực trạng sản xuất nông nghiệp của tất cả các xã, thị trấn để trên cơ sở những hạn chế, điều chỉnh hướng phát triển sản xuất phù hợp. Kết quả điều tra cho thấy: tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm và chưa đồng đều giữa các địa phương. Nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao như lạc, dưa chuột bao tử xuất khẩu, khoai tây… chưa mở rộng được diện tích. Nhiều giống lúa mới có khả năng giảm thiểu sự phát sinh dịch hại cho cây trồng, chuyển dịch cơ cấu giống như các giống lúa lai HYT100, HYT103, LT2, TBR45… chưa được đưa vào thâm canh. Một số kỹ thuật mới có khả năng giảm bớt sức lao động, rút ngắn thời gian sản xuất như gieo sạ với lúa, che phủ ni lông trong trồng lạc chưa được ứng dụng. Trước thực trạng này, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn vừa duy trì sản xuất trong các vụ, vừa căn cứ vào quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt, từng bước xây dựng các vùng sản xuất tập trung có quy mô hợp lý với từng thôn, đội phù hợp với điều kiện đất đai, tập quán canh tác của địa phương và nhu cầu thị trường. Theo đó, quy hoạch sản xuất nông nghiệp của huyện đến năm 2015 về cơ bản sẽ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dịch nhanh cơ cấu, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ, thủy sản. Gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản để tăng thu nhập trên đơn vị đất canh tác; mở rộng diện tích trồng cây màu ở vùng đất cao hạn trong vụ xuân, vụ hè thu và phát triển cây vụ đông trên đất hai vụ lúa/năm. Chuyển diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng màu, vùng úng trũng sang nuôi thủy sản. Huyện định hướng cho các xã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung với quy mô từ 5ha trở lên. Cụ thể, tại các xã miền thượng (Minh Thuận, Tân Khánh, Hiển Khánh, Minh Tân, Hợp Hưng) sẽ quy hoạch 450-500ha; tập trung sản xuất lúa trong hai vụ xuân, vụ mùa bằng giống lúa lai và lúa thuần chất lượng cao. Mở rộng diện tích trồng cây vụ đông xuống chân đất hai vụ lúa/năm bằng những cây nguyên liệu chế biến xuất khẩu như bí xanh, ngô, đậu tương; chuyển diện tích đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng trang trại lúa + cá kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tại các xã Cộng Hòa, Trung Thành, Quang Trung, Kim Thái, Đại An sẽ quy hoạch 500-550ha; từng bước giảm dần diện tích cấy lúa, chuyển sang trồng cây màu; mở rộng diện tích cây màu xuân, cây màu hè thu bằng các giống lạc, đậu tương ở chân ruộng cao; chuyển diện tích đất trũng sang nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từng bước trồng cây vụ đông trên chân đất hai lúa bằng những cây nguyên liệu chế biến xuất khẩu, duy trì diện tích đất chuyên màu. Tại các xã Tam Thanh, Thị trấn Gôi, Liên Bảo, Liên Minh sẽ quy hoạch 500-550ha duy trì diện tích cấy lúa thích hợp, mở rộng diện tích trồng lạc, đậu tương và rau màu vụ hè, vụ thu. Quy hoạch sản xuất vụ đông thành vùng tập trung bằng các cây có giá trị kinh tế cao như: khoai tây Hà Lan, cây dược liệu và rau màu các loại. Tại các xã miền hạ (Đại Thắng, Thành Lợi, Vĩnh Hào, Tân Thành) sẽ quy hoạch 450-500ha tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất lúa trong cả vụ xuân và vụ mùa; duy trì diện tích trồng màu hè thu và vụ xuân. Mở rộng diện tích trồng cây vụ đông ở chân đất hai lúa bằng cây ngô, đậu tương; đồng thời quy hoạch vùng trồng cây vụ đông tập trung bằng những cây truyền thống có chất lượng cao như khoai tây Hà Lan, cây dược liệu và rau màu các loại. Trong chăn nuôi, huyện dự kiến tại các xã miền thượng sẽ tập trung phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm, trâu, bò; tại các xã vùng đường 486 sẽ phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm; tại các xã miền hạ sẽ phát triển chăn nuôi đàn lợn, gia cầm. Trong nuôi trồng thủy sản, huyện tiếp tục chuyển đổi 100ha đất ruộng trũng ở các xã Minh Tân, Tam Thanh, Thị trấn Gôi, Hiển Khánh, Thành Lợi để nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa. Trong phát triển kinh tế trang trại, huyện bổ sung thêm quy chế khuyến khích phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại tập trung, xa khu dân cư để bảo vệ môi trường. Mỗi xã, thị trấn phấn đấu có từ 1 đến 2 trang trại trong vùng quy hoạch đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT… Cùng với việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, các xã, thị trấn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có tiềm năng năng suất, chất lượng cao đã được khảo nghiệm phù hợp với điều kiện sinh thái từng thời vụ của địa phương, chú trọng các giống lai, nhập ngoại có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc xây dựng kho lạnh phục vụ chế biến, bảo quản các loại rau củ, khoai tây sau thu hoạch cũng đang được huyện quan tâm đẩy mạnh, nhằm tạo ra các vùng sản xuất cây nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu quy mô lớn… Huyện Vụ Bản quyết tâm thực hiện tốt các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3% năm, giá trị sản xuất trên một ha canh tác hàng năm đạt trên 80 triệu đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 460-500 tỷ đồng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com