Trực Ninh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

08:11, 01/11/2011

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Trực Ninh đã có bước phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá. Toàn huyện đã chuyển 322ha cấy lúa hiệu quả thấp, đất bãi ven sông sang trồng rau màu, cây công nghiệp và nuôi thuỷ sản đạt giá trị kinh tế cao. Giá trị thu nhập trên 1ha canh tác của huyện bình quân đạt 72,8 triệu đồng/năm. Cơ cấu giống lúa được chuyển đổi theo hướng đảm bảo an toàn lương thực và sản xuất hàng hóa. Các giống lúa chất lượng cao hiện chiếm 35% tổng diện tích lúa của toàn huyện. Diện tích trồng cây vụ đông trong huyện phát triển được 1.304ha với những cây trồng chính là cà chua, bí xanh, khoai tây Hà Lan, dưa chuột, đậu tương… Ở một số xã như Trực Chính, Trực Nội, Trực Tĩnh, Trực Đại có nhiều mô hình luân canh 3 vụ đạt giá trị thu nhập 100-120 triệu đồng/ha/năm. Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá với nhiều trang trại, gia trại. Toàn huyện hiện có 572 hộ chăn nuôi lợn, gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại, trong đó có 221 hộ có trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT, có 1.051ha nuôi  thuỷ sản. Các xã Trực Chính, Trực Cường, Trực Nội và Thị trấn Cổ Lễ có nhiều mô hình nuôi thuỷ sản đạt giá trị 80-100 triệu đồng/ha/năm. Huyện đã xây dựng và triển khai hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi thuỷ sản tại các xã Trực Chính, Phương Định, Liêm Hải, Thị trấn Cổ Lễ. Tổng diện tích của các dự án rộng 114ha, trong đó dự án nuôi thủy sản tại xã Trực Khang rộng 35ha, tại xã Trực Chính rộng 30ha… Giá trị sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản toàn huyện năm 2010 đạt 419 tỷ đồng... Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện Trực Ninh vẫn còn những hạn chế. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa đều ở các địa phương. Các mô hình chuyển đổi hiệu quả chưa được nhân ra diện rộng; chưa hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh; trang trại quy mô lớn. Tỷ lệ cơ giới hoá sản xuất trong các khâu còn thấp nên năng suất lao động và hiệu quả sản xuất chưa cao. Sản xuất vụ đông, nhất là vụ đông trên đất hai vụ lúa chậm được mở rộng, đang có chiều hướng giảm, chưa quy hoạch được vùng sản xuất tập trung. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển chưa ổn định, chưa hình thành được những trang trại lớn. Nuôi thuỷ sản đã có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao nhưng tốc độ chuyển đổi chậm và còn manh mún, chưa đều ở các địa phương.

Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được và chỉ rõ những tồn tại, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015 Huyện uỷ Trực Ninh đã ban hành Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp” và tập trung lãnh đạo các địa phương trong huyện thực hiện. Huyện uỷ đã xác định một số giải pháp trọng tâm, trước hết chỉ đạo các địa phương thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất, bao gồm quy hoạch vùng sản xuất lúa, vùng sản xuất cây vụ đông, vùng trồng hoa, cây cảnh, vùng nuôi trồng thủy sản… Các xã, thị trấn dành 40-45% diện tích cấy lúa cao sản, 30-35% diện tích cấy lúa chất lượng cao, 15% cấy lúa đặc sản. Hằng năm, huyện duy trì ổn định từ 300-400ha diện tích sản xuất giống lúa lai F1. Thực hiện khuyến khích các doanh nghiệp liên kết đầu tư sản xuất tại các xã Trực Hùng, Trực Phú, Trực Đại, Trực Thắng. Mở rộng diện tích sản xuất tại các xã Trực Nội, Việt Hùng, Trung Đông. Hiện tại, Cty TNHH Cường Tân chuyên kinh doanh, sản xuất lúa giống đã ký thỏa thuận với nông dân các xã: Trực Hùng, Trực Thái, Trực Đại… thuê 210ha và tiếp tục mở rộng, quy hoạch thành vùng chuyên sản xuất 2 vụ lúa giống, vụ đông trồng dưa chuột xuất khẩu, tạo thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Huyện chỉ đạo mỗi xã, thị trấn quy hoạch 2-3 vùng sản xuất cây vụ đông liên đội sản xuất, mỗi vùng 10-20ha. Đối với những địa phương đã có truyền thống sản xuất cây vụ đông mạnh như Trực Chính, Trực Mỹ, Trực Thái; các xã xây dựng NTM đợt đầu như Trung Đông, Việt Hùng, Trực Thanh, Trực Hưng, Trực Nội, Trực Đại, Trực Hùng thực hiện quy hoạch mỗi xã 3-4 vùng chuyên canh 3 vụ, tối thiểu mỗi xã đạt 15-20% diện tích. Huyện cũng chỉ đạo quy hoạch 3 vùng sản xuất cây vụ đông nguyên liệu liên HTX. Vùng 1 rộng 150ha gồm các HTXNN Trung Lao (30ha), Đông Thượng (20ha), Cổ Lễ (20ha), Trực Chính (80ha); vùng 2 rộng 130ha, gồm các HTXNN Trực Nội (50ha), Trực Mỹ (50ha), Trực Thuận (30ha); vùng 3 rộng 200ha, gồm các HTXNN Trực Đại (40ha), Trực Thái (50ha), Bắc Trung (40ha), Việt Hùng (40ha), Tân Phú (30ha). Các HTXNN Trực Chính, Liêm Trực, Trực Hưng, Trực Thuận, Bắc Trung thực hiện chuyển 200ha lúa chân đất cao, pha cát sang trồng màu hoặc trồng 2 màu 1 lúa/năm. Vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung ở các xã Trực Thắng, Trực Hùng, Trực Nội, Thị trấn Cổ Lễ. Về quy hoạch vùng chăn nuôi, các địa phương quy hoạch tại những điểm xa khu dân cư, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Vùng nuôi trồng thủy sản thực hiện quy hoạch trên các vùng đất cấy lúa hiệu quả thấp, đất bãi ven sông, mỗi vùng rộng từ 5-10ha. Để các vùng quy hoạch phát huy hiệu quả, huyện tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông nội đồng, đường điện, trạm bơm, cống điều tiết nước, kiên cố hóa kênh tưới, mỗi suất đầu tư xây dựng từ 180-200 triệu đồng/ha. Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện xây dựng cơ chế hỗ trợ các vùng chuyển đổi xây dựng cơ sở hạ tầng 20 triệu đồng/vùng; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trang trại chăn nuôi nằm trong vùng quy hoạch, đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT với mức 30 triệu đồng/trang trại. Các địa phương tăng cường thực hiện công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; ưu tiên cho các hộ, doanh nghiệp thuê đất để tổ chức sản xuất, xây dựng trang trại chăn nuôi; sử dụng hợp lý nguồn kinh phí cấp quyền sử dụng đất, kinh phí sự nghiệp đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng chuyển đổi, có biện pháp vận động nhân dân chuyển nhượng, tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa. Hiện tại, huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác “dồn điền đổi thửa”; trong đó, tập trung chỉ đạo 6 xã xây dựng NTM đợt đầu, gồm Trung Đông, Việt Hùng, Trực Thanh, Trực Hưng, Trực Đại, Trực Hùng thực hiện thí điểm trong năm 2011 trước khi nhân ra diện rộng. Đến nay, ngoài xã Trực Nội thực hiện thí điểm của tỉnh đã hoàn tất, các xã còn lại đã cơ bản tiến hành xong các quy trình, thống nhất được phương án dồn đổi chi tiết đến từng hộ dân, sau khi thu hoạch lúa mùa xong sẽ tiến hành giao ruộng mới cho các hộ dân trên thực địa. Huyện có cơ chế hỗ trợ 60 triệu đồng/xã đối với xã, thị trấn hợp nhất hoặc có quy mô từ 2 HTXNN trở lên, hàng năm có thu tiền từ nguồn cấp quyền sử dụng đất; hỗ trợ 80 triệu đồng/xã đối với xã không có tiền thu từ nguồn cấp quyền sử dụng đất. Đối với các xã, thị trấn còn lại: hàng năm có thu tiền từ nguồn cấp quyền sử dụng đất, hỗ trợ 50 triệu đồng/xã; không có tiền thu từ nguồn cấp quyền sử dụng đất hỗ trợ 70 triệu đồng/xã.

Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp” đang được huyện Trực Ninh tập trung chỉ đạo đã đi vào những vấn đề có tính trọng tâm, trọng điểm tạo bước đột phá và là tiền đề để huyện vững bước trên đường CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.

Duy Hưng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com