Trực Ninh phát triển kinh tế trang trại, gia trại

08:10, 27/10/2011

Những năm gần đây, huyện Trực Ninh tập trung phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản theo quy mô trang trại, gia trại. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng các vùng nuôi chuyên canh phù hợp với điều kiện của địa phương; phát triển chăn nuôi đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa các giống mới vào chăn nuôi tăng năng suất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và phục vụ chế biến xuất khẩu. Chuyển dần chăn nuôi lợn, gia cầm, trâu bò từ nuôi phân tán sang chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại, tách chăn nuôi ra xa khu dân cư để bảo đảm môi trường.

Trang trại của gia đình anh Vũ Văn Thành, xã Trực Mỹ (Trực Ninh) sau khi trừ chi phí mỗi năm thu trên 250 triệu đồng.
Trang trại của gia đình anh Vũ Văn Thành, xã Trực Mỹ (Trực Ninh) sau khi trừ chi phí mỗi năm thu trên 250 triệu đồng.

Xã Trực Chính nhiều năm qua đã quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại. Các hộ được tạo điều kiện đấu thầu phần diện tích đất bãi lâu dài, đủ lớn để xây dựng các trang trại tổng hợp gồm nuôi lợn, thả cá, kết hợp làm vườn. Hộ các ông Mai Văn Thiều, Đinh Ngọc Kết, Mai Văn Kiệm có trang trại rộng 3 mẫu. Các hộ thường nuôi 20 con lợn nái, gần 100 con lợn thịt mỗi lứa, dưới ao nuôi cá truyền thống. Mỗi năm sau khi trừ chi phí các hộ còn thu khoảng 150 triệu đồng. Anh Đỗ Văn An ở xóm An Trạch, chủ trang trại có diện tích trên 2ha cho biết: Gia đình tôi hiện đang nuôi hơn 100 con lợn, hơn 1,5ha ao nuôi cá truyền thống, trên vườn trồng cây ăn quả, cây cảnh; sau khi trừ chi phí có nguồn thu trên 100 triệu đồng. Ở Trực Chính có nhiều hộ chăn nuôi gia cầm cũng đạt hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu là hộ anh Nguyễn Văn Long thường nuôi từ 700-1.000 con gà mỗi lứa. Hiện nay các xã, thị trấn trong huyện đang phấn đấu mỗi địa phương có 3-5 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Các xã, thị trấn có phong trào chăn nuôi theo quy mô trang trại là Trực Chính, Trực Thái, Trực Khang, Trực Hùng… Đồng chí Ngô Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Trực Mỹ cho biết: "Thực tế ở địa phương, muốn phát triển chăn nuôi phải theo mô hình trang trại, nuôi theo phương pháp công nghiệp để kiểm soát được dịch bệnh và có lượng hàng hóa lớn thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm. Xã đã quy hoạch 20ha cho các hộ chăn nuôi, 16ha cho các hộ nuôi thủy sản theo quy mô trang trại". Xã Trực Mỹ có nhiều hộ chăn nuôi hiệu quả như hộ các anh Vũ Văn Thành ở đội 10, Mai Minh Đoan và Vũ Văn Luân đội 9, Vũ Văn Tân đội 12… Anh Vũ Văn Thành đấu thầu diện tích 2,5ha, đầu tư hàng trăm triệu đồng để kè ao nuôi cá, xây chuồng nuôi lợn nái, lợn thịt. Hiện anh đang nuôi 15 con lợn nái để sản xuất lợn giống phục vụ chăn nuôi tại trại, 300 con lợn thịt một năm và 1,2 mẫu ao dành nuôi cá. Mỗi năm sau khi trừ chi phí anh còn thu khoảng 250 triệu đồng… Những năm gần đây sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của huyện Trực Ninh thường đạt trên dưới 8.000 tấn. Toàn huyện có trên 320 trang trại, gia trại trong đó có trên 20 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT.

Huyện Trực Ninh đã hình thành các vùng nuôi thủy sản thuộc Thị trấn Cổ Lễ và các xã Trực Chính, Phương Định, Liêm Hải, Trực Khang… Cùng với nuôi các loại cá truyền thống, những nơi có kinh nghiệm, có điều kiện tưới tiêu nước thuận lợi tổ chức nuôi con đặc sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Các xã có vùng nuôi thủy sản đã chú ý bảo vệ môi trường vùng nuôi, tổ chức tốt công tác cung ứng giống, phòng chữa bệnh cho con nuôi; tổ chức tập huấn, tích cực chuyển giao các tiến bộ KHKT cho người nuôi, tổ chức liên kết với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học để tiếp thu các kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất… Ở vùng nuôi thủy sản xã Trực Chính ở ngoài bãi sông Hồng…, các hộ đều đầu tư quy hoạch ao nuôi bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, nguồn nước sạch nên nhiều năm nay không có dịch bệnh xảy ra. Xã Trực Mỹ có vùng nuôi ven sông Ninh Cơ, các hộ đều có kinh nghiệm nuôi cá truyền thống nên thu nhập ổn định. Xã Trực Khang cũng đã quy hoạch được vùng nuôi thủy sản tập trung rộng 31ha. Để các hộ có điều kiện chăn nuôi ổn định, xã đã đầu tư xây dựng 2km đường bê tông xung quanh diện tích vùng chuyển đổi. Một số hộ có điều kiện được các hộ nhường đổi ruộng để hình thành các trang trại có diện tích đủ lớn, thuận lợi cho sản xuất. Hộ các ông Hà Văn Xuất, Hà Văn Phát có nguồn thu mỗi năm trên 100 triệu đồng từ thả cá kết hợp với nuôi lợn. Các xã trong huyện đều quy hoạch, chuyển đổi một số diện tích cấy lúa năng suất thấp, kém hiệu quả và sử dụng mặt nước hồ ao với tổng diện tích hơn 1.100ha để nuôi thủy sản. Giá trị sản lượng thủy sản tăng dần qua từng năm, chiếm gần 10% giá trị sản xuất nông nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu mỗi xã, thị trấn có 3-5 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT, huyện Trực Ninh sẽ hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng chuyển đổi có dự án được duyệt; hỗ trợ xây dựng trang trại  chăn nuôi, nuôi thủy sản nằm trong vùng quy hoạch bảo đảm, đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT… Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT, xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từ đó hình thành các vùng chuyên canh, các trang trại có quy mô phù hợp để sản xuất hàng hóa./.

Bài và ảnh: Trần Hữu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com