“Dồn điền đổi thửa” (DĐĐT) được tỉnh ta xác định là khâu quan trọng, có ý nghĩa đột phá trong xây dựng nông thôn mới nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, quy hoạch vùng sản xuất; nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, áp dụng các biện pháp sản xuất mới năng suất, hiệu quả hơn. Hiện tại, các bước tiến hành cụ thể đang được nhiều địa phương trong tỉnh tập trung triển khai một cách quyết liệt…
I. Đồng thuận, quyết liệt từ cơ sở
Cánh đồng chuyên canh rau màu xã Nam Dương (Nam Trực). |
Xã Hải Xuân (Hải Hậu) có 312ha đất canh tác, trong đó có 262ha đất hai lúa giao ổn định cho các hộ dân. Bình quân mỗi hộ dân trong xã có 2,8 thửa canh tác. Đồng chí Mai Quang Vang, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, thực hiện chủ trương DĐĐT, thời gian qua xã đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo; UBND xã đã xây dựng kế hoạch, phương án DĐĐT, đã được HĐND xã họp thảo luận, thông qua. Chủ trương, kế hoạch DĐĐT được xã quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và tới từng hộ dân ở 13 xóm trong xã. Ngoài thành lập ban chỉ đạo chung toàn xã, xã đã thành lập 13 tiểu ban DĐĐT ở 13 xóm do đồng chí bí thư chi bộ xóm làm trưởng tiểu ban, trưởng các chi hội đoàn thể, đại diện các hộ dân làm thành viên. Nhằm hỗ trợ các xóm trong việc lập phương án, đảm bảo phù hợp, sát thực, thời gian qua xã thực hiện tăng cường cho mỗi xóm 2 cán bộ. Hiện tại, 13 xóm trong xã đã xây dựng được phương án dồn đổi chi tiết tới từng hộ dân, đang tổ chức lấy ý kiến dân lần cuối trước khi trình UBND xã phê duyệt thực hiện. Trước đó, xã đã hoàn tất công tác điều tra, thống kê diện tích, loại đất, số thửa, số hộ đang được giao sử dụng đất. Trong kế hoạch, xã đặt mục tiêu sau DĐĐT sẽ giảm số thửa canh tác/hộ xuống còn 1-1,5 thửa. Xã thực hiện mở rộng đường chính ra đồng rộng 5m, bờ vùng rộng 3m, bờ thửa rộng 1,5m. Để phục vụ việc mở rộng này, xã cần 198.720m2 đất. Căn cứ vào nhu cầu, xã đã xây dựng phương án, tổ chức lấy ý kiến, được nhân dân thống nhất cao về các khoản đóng góp. Theo đó, mỗi hộ dân có ruộng trong xã tự nguyện góp 25m2 đất/sào phục vụ việc mở rộng đường giao thông, thủy lợi nội đồng; góp 2 công/sào (có thể quy bằng tiền, thóc) làm đường. Phương thức dồn đổi được xã thực hiện theo nguyên tắc “1 đổi 1” đối với trường hợp dồn đổi giữa đất công của xã với đất của hộ dân đã được giao ổn định; trường hợp người dân tự dồn đổi hệ số chênh lệch do các hộ dân tự thoả thuận. Dịp này xã Hải Xuân cũng thực hiện dồn đổi theo hướng tập trung lại hơn 40.000m2 đất công đang nằm rải rác tại các xứ đồng phục vụ việc xây dựng các công trình phúc lợi. Trước đó, xã đã quy hoạch được các vùng sản xuất, gồm vùng nuôi trồng thủy hải sản rộng 50ha, vùng sản xuất lúa đặc sản rộng 15ha, vùng sản xuất lúa giống rộng 5ha, vùng lúa cao sản rộng hơn 10ha; vùng lúa kết hợp trồng rau màu rộng gần 100ha, vùng sản xuất CN-TTCN rộng 20ha. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng TN và MT huyện Hải Hậu cho biết, ban đầu huyện có kế hoạch chọn 12 xã làm điểm. Tuy nhiên căn cứ vào những yếu tố thuận lợi, trong đó được nhân dân đồng tình cao; cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện đều thể hiện quyết tâm thực hiện, huyện đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo 100% xã, thị trấn triển khai thực hiện DĐĐT trong năm 2011. Đến cuối tháng 10, toàn huyện đã có 20/35 xã, thị trấn thống nhất được phương án DĐĐT chi tiết tới từng hộ dân. Dự kiến, đầu tháng 11, thời điểm thu hoạch lúa mùa xong, toàn huyện sẽ tiến hành giao đất trên thực địa cho các hộ dân…
Trong đợt DĐĐT này, huyện Giao Thuỷ chọn 5 xã thực hiện thí điểm gồm Giao Hà, Giao Tiến, Bình Hoà, Giao Châu, Giao Thịnh. Đồng chí Phùng Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, toàn huyện phấn đấu cơ bản mỗi hộ chỉ còn 1 thửa canh tác. Theo đồng chí Phó Chủ tịch, mục tiêu này không khó bởi đặc điểm đồng đất của huyện khá đồng đều, hiện tại bình quân số thửa canh tác/hộ của huyện cũng chỉ có 2,8 thửa/hộ. Mục tiêu lớn nhất của huyện là qua đợt này sẽ tập trung mở rộng, nâng cấp hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn. Theo đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai chung trong toàn huyện. Để đảm bảo quá trình thực hiện thống nhất, đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ, Phòng TN và MT huyện đã ban hành bản hướng dẫn chi tiết các địa phương về yêu cầu, quy trình, các khâu, các bước thực hiện. UBND huyện thực hiện hỗ trợ 100 triệu đồng kinh phí thực hiện DĐĐT cho mỗi xã thực hiện thí điểm. MTTQ, các đoàn thể nhân dân trong huyện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động để người dân nắm rõ nội dung, mục đích tham gia thực hiện. Tại các xã thực hiện thí điểm, các ban công tác Mặt trận đã nhiều lần tổ chức họp dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng phương án chung của xã, của thôn xóm, họp bàn thống nhất các khoản đóng góp. Qua đó, không chỉ phát huy trí tuệ trong nhân dân mà còn góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ trong quá trình thực hiện chủ trương lớn, quan trọng này. Đến thời điểm này, các địa phương trên đều đã xây dựng được kế hoạch, thống nhất phương án thực hiện cũng như mức đóng góp của các hộ dân. Riêng xã Giao Hà đã hoàn thành các bước chuẩn bị chi tiết, chuẩn bị bàn giao ruộng cho nhân dân trên thực địa. Xã cũng đã ký hợp đồng với một số đơn vị, chuẩn bị thi công mở rộng đường giao thông nội đồng theo kế hoạch ngay sau khi thu hoạch xong lúa mùa. Trước đó, trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân ở các xóm trong xã đã họp bàn, thống nhất được phương án dồn đổi chi tiết tới từng hộ dân. Mỗi hộ tự nguyện góp 20 m2/sào đất phục vụ việc mở rộng đường chính ra đồng lên 3-4m, mở rộng đường mương lên 1-2m; góp 10kg thóc/sào/vụ làm kinh phí đào đắp. Tại xã Bình Hòa, kế hoạch, phương án DĐĐT chung của xã cũng đã được xây dựng, thống nhất trong toàn xã. Trên con đường nối liền cánh đồng thôn Hoàng Đông, Diêm Điền của xã Bình Hòa với xã Giao Xuân, chúng tôi gặp ông Nguyễn Huy Vũ, một người dân ở xóm 16. Ông cho biết, qua các buổi xóm tổ chức họp dân ông được biết tới đây xã thực hiện mở rộng hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng, xây mới nhiều công trình phúc lợi công cộng. Gia đình ông có 3,6 sào đất canh tác, ông vừa đại diện gia đình ký cam kết góp cho xã 108m2 đất thực hiện các công trình này. Theo kế hoạch, để mở rộng được hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, xây dựng trường học, nhà văn hóa, bãi chôn lấp rác thải, xã Bình Hoà cần 267.027m2 đất. Trên cơ sở nhu cầu, xã đã vận động mỗi hộ dân góp 30 m2/sào, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Đến nay, các hộ dân trong xã đã đăng ký hiến tổng cộng 243.000m2 đất cho xã thực hiện các công trình này...
Tại các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, công tác DĐĐT cũng đang được tập trung triển khai. Đồng chí Phạm Mạnh Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết do đặc thù đồng đất của huyện không đều, đất màu, đất lúa xen canh, giá trị từng loại đất rất chênh lệch. Để đảm bảo việc DĐĐT có kết quả, đòi hỏi công tác khảo sát, thống kê, xây dựng kế hoạch, đặc biệt là phương án thực hiện phải đảm bảo được tính công bằng. Chính vì vậy, trong đợt này huyện chỉ chọn 12/32 xã, thị trấn thực hiện thí điểm trước để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Xã Yên Lương, một trong những địa phương thực hiện thí điểm có hơn 600ha đất canh tác, bao gồm đất chuyên 2 lúa và đất chuyên màu, phân chia rất manh mún, từ 4-7 thửa/hộ, lâu nay bà con nông dân trong xã gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong quá trình sản xuất. Đồng chí Phạm Văn Hiệp, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, từ khi có chủ trương DĐĐT, cán bộ, nhân dân địa phương rất phấn khởi, quyết tâm thực hiện. Hiện tại xã đã hoàn tất công tác điều tra, thống kê; xây dựng kế hoạch đồng thời thống nhất được một số nội dung, phương án cơ bản. Theo đó, việc dồn đổi ruộng sẽ được thực hiện theo nguyên tắc “đổi chiều”. Cụ thể, các hộ đều được chia cả đất lúa và đất màu. Nếu đã phải nhận đất màu xấu thì được nhận đất lúa tốt và ngược lại. Xã phấn đấu sau DĐĐT mỗi hộ chỉ còn tối đa 2 thửa canh tác. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cũng cho biết, xã có hơn 100ha đất canh tác không thuận lợi, ở chân cao, hay mất nước, xa khu dân cư. Trước khi đưa vào dồn đổi, xã đã hợp tác với doanh nghiệp Hà Minh Lương, một doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu xây dựng đóng trên địa bàn thực hiện cải tạo. Theo đó, doanh nghiệp được phép khai thác đất làm nguyên liệu phục vụ sản xuất qua đó giúp địa phương hạ cốt đất, cải tạo đồng ruộng. Quá trình doanh nghiệp khai thác, các chủ hộ được doanh nghiệp trả sản lượng theo thỏa thuận. Chủ trương trên nhận được sự đồng tình cao của nhân dân nên quá trình triển khai rất thuận lợi…