Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các chỉ tiêu của ngành Ngân hàng trong thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua được thực hiện quyết liệt. Đến nay, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 17.417 tỷ đồng, tăng 8,27% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 8.546 tỷ đồng, tăng trên 13% so với đầu năm; dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất còn 11.475 tỷ đồng, giảm 22,89% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu còn 267 tỷ đồng, chiếm 1,58%... Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp đều cần vốn để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2011, những tháng cuối năm ngành Ngân hàng cần có phương án, kế hoạch tiếp ứng vốn hiệu quả đối với các doanh nghiệp.
Tại phòng giao dịch Ngân hàng CP Kỹ thương, Chi nhánh Nam Định. |
Tỉnh ta hiện đang có 1.530 doanh nghiệp, bằng 46,5% tổng số doanh nghiệp trong tỉnh đang vay vốn ngân hàng với tổng dư nợ 8.222 tỷ đồng. Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tiêu dùng, nhất là hàng may mặc, đều xác định những tháng cuối năm là đợt sản xuất cao điểm, là cơ hội tái phát triển sản xuất. Vì vậy, nhu cầu vay vốn tín dụng của doanh nghiệp rất lớn. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Cty CP Dệt may Sơn Nam cho biết: Cty đã được Ngân hàng TMCP Công thương tỉnh Nam Định duyệt cho vay 247 tỷ đồng để triển khai dự án mở rộng sản xuất dịp cuối năm nay… Về phía các ngân hàng, do nắm bắt được đặc tính của doanh nghiệp nên đều chủ động chuẩn bị vốn. Ngân hàng NN và PTNT tỉnh, đơn vị đang đạt chỉ số huy động vốn cho vay lớn nhất tỉnh, lên tới 3.936 tỷ đồng luôn sẵn sàng vốn vay cho doanh nghiệp. Đồng chí Trần Văn Thiện, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương tỉnh Nam Định cho biết: Hiện đang có 229 doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng với dư nợ 1.355 tỷ đồng, trong đó trên 600 tỷ đồng vốn do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam điều chuyển hỗ trợ. Trong các tháng cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục tăng dư nợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng hồ sơ các doanh nghiệp đề nghị vay vốn ngân hàng chưa nhiều. Điều này tưởng như nghịch lý trong bối cảnh các doanh nghiệp đang rất cần vốn và các ngân hàng đã sẵn sàng chuẩn bị vốn. Lý giải điều này, một giám đốc Cty CP cho biết: “Hiện Cty rất cần vốn nhưng chưa dám vay vì với lãi suất cao như hiện nay thì vay vốn để sản xuất sẽ không có lãi”. Lãnh đạo một doanh nghiệp may lớn của tỉnh cho biết Cty vừa từ chối một đơn hàng vì giá sợi, vải, nhân công tăng. Nếu chịu lãi suất vay trên 20%/năm như hiện nay thì doanh nghiệp bị lỗ. Ngoài ra, mức cho vay của các ngân hàng đối chiếu với tài sản thế chấp hiện nay tính rất thấp. Lãnh đạo Cty CP X.T cho biết: “Cty được định giá tài sản thế chấp trị giá 1,2 tỷ đồng nhưng ngân hàng chỉ cho vay 600 triệu đồng, không đủ số vốn để Cty sản xuất kinh doanh. Khi mang hồ sơ đến ngân hàng ở ngoài tỉnh, Cty được vay tới 900 triệu đồng!”. Một số nhân viên ngân hàng có thái độ cửa quyền, hạch sách khi tiếp cận, thẩm định hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp. Cá biệt, có việc nhân viên ngân hàng làm môi giới, yêu cầu chi phí giúp doanh nghiệp vay vốn khiến lãi suất càng cao, nhiều doanh nghiệp từ chối đơn hàng hoặc có doanh nghiệp chỉ vay vốn để duy trì sản xuất.
Hiện nay, tình trạng vốn sẵn nhưng người thiếu vốn lại không vay được không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của tỉnh. Vì vậy, các ngân hàng, cơ sở tín dụng cần thực hiện các biện pháp: giảm lãi suất để vốn vay phát huy hiệu quả. Trong thời gian qua, các ngân hàng đua nhau huy động vốn đẩy lãi suất cao vượt trần, dẫn đến lãi suất cho vay lên tới 20,20%. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, nếu đảm bảo mức lãi suất huy động 14%/năm thì lãi suất cho vay trên 16% là các ngân hàng đã có lãi. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về chấn chỉnh lãi suất huy động sai quy định, trong đó đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm khắc như đình chỉ, cách chức người quản lý, điều hành và đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động của đơn vị vi phạm. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần thông báo rộng rãi khả năng cho vay và đánh giá khách quan về khả năng sử dụng vốn vay của doanh nghiệp để có kế hoạch cho vay phù hợp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cần xây dựng phương án giám sát giữa các ngân hàng thông qua việc thành lập hiệp hội ngân hàng tỉnh, tổ chức cho các ngân hàng ký cam kết tuân thủ quy định về lãi suất huy động vốn. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải nhận thức việc tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước chính là giúp doanh nghiệp để từ đó tham gia phát hiện những vi phạm của ngân hàng để có kiến nghị với ngân hàng kịp thời điều chỉnh hoạt động. Thực hiện đồng bộ những biện pháp trên, cơ hội vay vốn và phát huy hiệu quả vốn vay của doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ đạt kết quả cao hơn./.
Bài và ảnh: Hoàng Long