Tổng Giám đốc Cty CP Dệt may Sơn Nam
Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát trong nước kéo dài nhưng Cty CP Dệt may Sơn Nam vẫn tạo bước phát triển mới. Hiện nay, sản phẩm khăn xuất khẩu của Cty đã không chỉ đứng vững trên thị trường Nhật Bản mà còn mở rộng sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc, EU… Riêng sản phẩm sợi, Cty cũng không ngừng mở rộng được đối tác tiêu thụ với sức mua ngày một nâng cao. Đạt được kết quả trên là do Cty đã kiên trì thực hiện nguyên tắc bảo đảm chất lượng sản phẩm và đưa nhà máy về nông thôn, thu hút nguồn lao động tại chỗ để chủ động sản xuất. Trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, Cty đã nỗ lực huy động vốn và sử dụng mọi nguồn lãi để đầu tư hệ thống thiết bị máy móc theo hướng hiện đại hóa. Năm 2005, Cty đã đầu tư hai nhà máy sợi OE có công suất 6.000 tấn/năm tại KCN Hoà Xá; đầu tư một nhà máy dệt khăn sản lượng 3.000 tấn/năm với hệ thống thiết bị đồng bộ thuộc công nghệ mới nhất của Thụy Sỹ và Cộng hoà Liên bang Đức. Ngoài ra, để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, năm 2010, Cty đầu tư xây dựng nhà máy sợi số 3 với hệ thống máy móc của các nước Đức, Italia với tổng vốn 110 tỷ đồng; sản lượng dự tính đạt gần 4.000 tấn/năm. Hiện tại, Cty đang đầu tư thêm 30 máy sản xuất sợi khổ to công suất 70 tấn/năm làm nguyên liệu cho sản phẩm áo choàng, khăn tắm… Từ năm 1998, nhằm nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, Cty đã liên kết với các cơ sở sản xuất của các làng nghề dệt trên địa bàn tỉnh theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất như tăng giá sản phẩm gia công, dạy nghề, hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy dệt khăn. Đến năm 2005, đã có nhiều làng nghề dệt truyền thống ở các xã Nam Hồng, Nam Thanh (Nam Trực) và một số xã của huyện Trực Ninh được khôi phục và phát triển với số lượng trên 1.000 máy dệt khăn khổ rộng và hàng chục tổ hợp, hợp tác xã, doanh nghiệp, Cty TNHH dệt tư nhân. Phương châm phát triển cùng làng nghề đã không chỉ đem lại lợi ích thiết thực cho Cty mà còn giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động ngay tại địa phương. Ngoài việc tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động tại nhà máy, Cty đã giải quyết cho khoảng 2.000 lao động tại các làng nghề dệt trong tỉnh. Việc làm này đã được các đối tác nước ngoài đánh giá mang tính xã hội, nhân văn cao nên Cty không chỉ ký kết được nhiều hợp đồng dài hạn mà còn được đối tác cam kết làm bạn hàng lâu dài. Với lợi thế về thị trường, hiện nay Cty đang hoàn tất các thủ tục để tiếp tục đầu tư thêm một nhà máy sản xuất sản phẩm vải không dệt và may các sản phẩm bao bì, túi đựng thân thiện với môi trường xuất bán cho các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ; tiếp tục nâng cao số lượng lao động nông thôn được giải quyết việc làm ổn định tại địa phương./.
[links()]