Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ thu hút đa số lao động trẻ ở thôn Đằng Động. |
Những năm qua, nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ phát triển, đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của thôn Đằng Động, xã Yên Hồng (Ý Yên). Người đem nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ về thôn Đằng Động là anh Nguyễn Quang Huy. Năm 1987, anh Huy sang La Xuyên học nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ. Nhận thấy đây là nghề dễ học, có thu nhập ổn định, năm 1992, anh Huy tổ chức lớp học nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ cho 15 người trong thôn. Sau đó, nghề tiếp tục được nhân rộng trong các hộ gia đình, thu hút ngày càng nhiều lao động tham gia. Ông Trần Quốc Nông, trưởng thôn Đằng Động cho biết: “Hiện nay, toàn thôn có hơn 280 hộ gia đình với hơn 600 thanh niên tham gia nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, thu nhập trung bình 150-200 nghìn đồng/người/ngày. Đây là nguồn thu chủ yếu giúp người dân trong thôn cải thiện cuộc sống”. Vài năm gần đây, thị trường đồ gỗ phát triển, hoạt động sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở thôn Đằng Động càng nhộn nhịp sôi nổi hơn. Nhiều hộ trong thôn đầu tư mở rộng nhà xưởng, máy móc; thu hút thêm lao động, nhận gia công sản phẩm cho làng nghề La Xuyên. Anh Nguyễn Văn Phong, có 2 xưởng sản xuất với tổng diện tích hơn 300m2 tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại chỗ và 45 lao động nhận khoán tại nhà, thu nhập mỗi người 3-4 triệu đồng/tháng, riêng thợ chạm khắc gỗ lành nghề có thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng. Mỗi năm xưởng sản xuất của anh Phong xuất bán cho làng nghề La Xuyên 50-70 bộ bàn ghế kiểu dáng Minh Trúc, Minh Đào, bình quân 30 triệu đồng/bộ. Năm nay, giá các loại gỗ tăng đột biến, riêng gỗ gụ tăng thêm 12 triệu đồng/m3 nhưng anh Đồng Văn Thành vẫn tiếp tục đầu tư tăng quy mô sản xuất. Anh Thành cho biết: “Năm ngoái, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu hơn 300 triệu đồng, năm nay, tôi vay thêm vốn Ngân hàng NN và PTNT mở thêm 1 xưởng sản xuất rộng 200m2 tạo việc làm cho 35 lao động thường xuyên, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp tư nhân Ninh Xuân Quang, Ninh Văn Thái ở La Xuyên mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Không chỉ tạo bước đột phá về kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở thôn Đằng Động còn góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã. Tuy nhiên, qua khảo sát, đa số các cơ sở sản xuất ở thôn Đằng Động đều phát triển theo hướng tự phát, giao thông chưa thuận tiện do vị trí cách xa đường 485 (đường 57 cũ), thôn chưa được công nhận là làng nghề và có quy hoạch cụ thể về phát triển làng nghề bền vững. Mặt bằng sản xuất của các cơ sở trong thôn còn hạn chế. Hiện tại, xã Yên Hồng là một trong 11 xã xây dựng nông thôn mới của huyện Ý Yên. Với tiêu chí mỗi xã xây dựng nông thôn mới đều có một làng nghề, thôn Đằng Động có nhiều tiềm năng để xây dựng phát triển thành một làng nghề. Để làm được vậy, cần có sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền xã Yên Hồng trong định hướng phát triển, cơ chế hỗ trợ nghề, dạy nghề tạo đầu ra cho sản phẩm… góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương./.