Trong 9 chỉ số thành phần của PCI (Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh), các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến chỉ số thành phần dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là chỉ số chưa được như mong đợi. Và việc cải thiện chỉ số này có vai trò rất lớn của ngành Công thương.
Thiếu, yếu và không chủ động
Năm 2010, chỉ số PCI của tỉnh ta tăng thêm 3,03 điểm, đạt 55,63/100 điểm, đưa Nam Định tăng 10 bậc trong 63 tỉnh, thành toàn quốc, lần đầu tiên được đứng trong nhóm khá của xếp loại PCI. Trong 7 chỉ số thành phần tăng điểm, chỉ số thành phần về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,99 điểm (5,99 điểm) nhưng không tăng bậc xếp loại so với năm 2009, bởi các tỉnh đều không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Theo nhận xét của lãnh đạo UBND tỉnh tại hội thảo nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh ta còn thiếu và yếu, chưa có tính chủ động, cần phải có sự cải thiện mạnh mẽ chỉ số thành phần này để góp phần gia tăng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, mở rộng hiệu quả thu hút đầu tư.
Chỉ số thành phần dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm 5 yếu tố: Tìm kiếm thông tin kinh doanh, tư vấn thông tin pháp luật, hỗ trợ tìm kiếm đối tác, xúc tiến thương mại và dịch vụ liên quan đến công nghệ. Ông L.V.C, giám đốc Cty CP T.D cho biết: Thực tế việc tìm kiếm thông tin kinh doanh tại tỉnh hiện nay chủ yếu do doanh nghiệp chủ động. UBND tỉnh đã quan tâm đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác nhưng cơ quan chức năng trực tiếp lại chưa thể hiện trách nhiệm. Giám đốc một doanh nghiệp có quy mô lớn, thường xuyên có quan hệ với đối tác nước ngoài cho biết, tỉnh ta chưa có hệ thống, cơ quan chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp có đủ thông tin và kiến thức để giao dịch với đối tác nước ngoài. Các văn phòng luật, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng ít và trình độ tư vấn còn hạn chế. Nếu có vấn đề về luật pháp cần được tư vấn, thông tin, hầu hết các doanh nghiệp đều thuê luật sư ở các tỉnh, thành khác.
Gian trưng bày sản phẩm CN-TTCN và thương mại dịch vụ tỉnh Nam Định tại hội chợ EXPO tổ chức từ ngày mùng 7 đến 11-10-2011 tại Hà Nội. |
Trong 5 nội dung của dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong tỉnh phản ánh công tác xúc tiến thương mại và dịch vụ liên quan đến công nghệ của tỉnh ta đã có nét khả quan, là yếu tố chính giúp tăng 0,99 điểm của chỉ số này so với năm 2009. Theo Trung tâm Khuyến công tỉnh, trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 444 chương trình, dự án khuyến công với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp được Trung tâm Khuyến công hỗ trợ kinh phí, tiếp cận với công nghệ mới để nâng cấp, mở rộng quy mô nâng tầm doanh nghiệp. Tuy nhiên, với tổng số trên 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, con số trên còn rất khiêm tốn. Công tác xúc tiến thương mại có thể được xem là điểm khá nhất trong dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh. Trong năm 2010, Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công thương) tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong và ngoài nước như Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 21, Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung, Hội chợ Trung Quốc - ASEAN; Hội chợ quốc tế Đubai, Hội chợ tại Nhật Bản. Từ đầu năm 2011 đến nay, hàng chục doanh nghiệp đã tham dự, xúc tiến thương mại tại Hội chợ Thủ công mỹ nghệ T.P Hồ Chí Minh, Hội chợ Expo (Hà Nội), Hội thảo xúc tiến thương mại Tập đoàn siêu thị Hàn Quốc… Tuy nhiên, công tác xúc tiến thương mại của tỉnh ta chưa đáp ứng yêu cầu. Trung tâm xúc tiến thương mại chưa có trang web riêng để giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp trong tỉnh cũng như thông tin về cơ hội xúc tiến rộng rãi đến doanh nghiệp. Tờ tin hàng tháng nội dung hạn chế, số lượng có hạn nên nhiều doanh nghiệp không cập nhật được thông tin. Mặt khác, tình trạng tổ chức hội chợ hiện nay lan tràn, trung tâm cần có sự lựa chọn để giới thiệu, tránh làm doanh nghiệp tốn phí thời gian, đi lại, kinh phí mà hiệu quả không cao.
Hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?
Tại Hội thảo nâng cao chỉ số PCI, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trách nhiệm của ngành theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện và phối hợp thực hiện đảm bảo hiệu quả để góp phần nâng cao PCI của tỉnh trong thời gian tới. Việc nâng cao chỉ số thành phần về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp vì sản xuất chỉ hiệu quả khi gắn liền với lưu thông hàng hóa. Việc hỗ trợ dịch vụ doanh nghiệp tốt còn nâng cao niềm tin của doanh nghiệp với môi trường sản xuất, kinh doanh của tỉnh, nâng cao uy tín địa phương trong thu hút đầu tư. Trong chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, trách nhiệm chính thuộc về ngành Công thương, nhất là việc nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại. Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Để thực hiện trách nhiệm được giao về nâng cao chỉ số PCI, ngành Công thương đã xây dựng và thực hiện nhóm 8 giải pháp. Trong đó, công khai quy hoạch phát triển điện lực, công nghiệp, thương mại, chợ, xăng dầu đến doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp thị xuất khẩu, đẩy mạnh công tác tiếp thị, hội nghị khách hàng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước; đăng thông tin quảng cáo, giới thiệu doanh nghiệp trên các website của ngành và các cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường quản lý thị trường để hạn chế, chống bán phá giá, hàng chất lượng kém, gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh… tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, hấp dẫn với các nhà đầu tư. Thực hiện ưu đãi với đầu tư nước ngoài, đầu tư vào những lĩnh vực tỉnh khuyến khích như công nghệ cao, cơ khí chế tạo, năng lượng. Đẩy nhanh ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh”.
Tuy nhiên, doanh nghiệp ở tỉnh ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít kinh nghiệm, tài chính hạn chế, để đạt kết quả cao nhất, cần được hỗ trợ kinh phí để tiếp cận thị trường thông tin. Tỉnh cần xem xét, sớm thành lập Quỹ xúc tiến thương mại. Ngoài ra, để chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt cao nhất, còn phụ thuộc vào chính doanh nghiệp. Hiện nay, do doanh nghiệp của tỉnh ta phần lớn đều thiếu vốn nên năng lực cạnh tranh thấp; cán bộ quản lý doanh nghiệp thiếu kiến thức quản trị và kinh nghiệm; trình độ công nghệ ở mức trung bình thấp so với các địa phương; các doanh nghiệp hầu hết chưa có chiến lược phát triển cụ thể nên hạn chế về tầm hoạt động và mạng lưới phân phối sản phẩm…
Bài và ảnh: Hoàng Long