Kiểm soát dịch bệnh, phát triển chăn nuôi

07:10, 03/10/2011

Với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển chăn nuôi của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, dịch bệnh gia súc, gia cầm trong thời gian qua đã được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho các chủ trang trại, hộ chăn nuôi tích cực đầu tư vốn, nhanh chóng tái đàn, mở rộng quy mô nuôi. Trong tháng 9, giá các loại thực phẩm tươi sống, nhất là thịt lợn đã bắt đầu "hạ nhiệt", cho dù tất cả các chi phí "đầu vào" đều tăng so với thời điểm đầu năm. Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, giá thịt lợn đã giảm tới 20%, giá thịt gà giảm 12% so với hồi đầu tháng 7 và hiện tương đối ổn định bởi nguồn cung từ sản xuất khá dồi dào. Tính đến giữa tháng 9, đàn trâu cả nước có 2,9 triệu con, xấp xỉ cùng kỳ năm trước; đàn bò 5,9 triệu con, tăng nhẹ so với cùng kỳ và đàn lợn 26,8 triệu con; đàn gia cầm tăng 6 đến 7%. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng 9 tháng ước tính tăng 4% so cùng kỳ năm 2010; sản lượng thịt lợn hơi tăng 1,9%; sản lượng thịt gia cầm tăng 10 đến 11%. Với đà tăng trưởng như vậy, các cơ quan chức năng dự báo, nếu không có dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát thì người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm với giá thực phẩm cuối năm bởi nguồn cung thực phẩm được bảo đảm. 

Trang trại chăn nuôi gà sạch của gia đình ông Lê Văn Thành, xã viên HTX chăn nuôi 2-9, xã Yên Chính (Ý Yên). Ảnh: thanh tuấn
Trang trại chăn nuôi gà sạch của gia đình ông Lê Văn Thành, xã viên HTX chăn nuôi 2-9, xã Yên Chính (Ý Yên).
Ảnh: Thanh Tuấn

Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 đang đến gần, đây là thời điểm người chăn nuôi tăng đàn, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các địa phương, khó khăn lớn đối với người chăn nuôi hiện nay không phải là con giống, thức ăn hay vật tư chăn nuôi, mà chính là nguồn vốn để tái sản xuất, là mối lo ngại dịch bệnh quay trở lại. Theo Cục Thú y, hiện ở các tỉnh phía Nam, dịch lợn tai xanh bắt đầu xuất hiện ở 4 tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh; dịch cúm gia cầm xảy ra lẻ tẻ ở Quảng Trị, Quảng Ngãi và bệnh lở mồm long móng ở Nghệ An vẫn chưa được khống chế. Mặc dù theo khẳng định của cơ quan chức năng, dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn trong tầm kiểm soát, chưa có hiện tượng lây lan, song, với thời tiết chuyển mùa hiện nay sẽ là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Để bảo đảm nguồn cung ổn định cho nhu cầu tiêu dùng chắc chắn sẽ tăng cao trong dịp cuối năm, vấn đề cấp thiết là kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Các địa phương, từ các cấp chính quyền đến người dân không được chủ quan lơ là, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ NN và PTNT. Rà soát các "điểm nóng" có nguy cơ tái phát và lây lan dịch bệnh để chủ động giám sát và ngăn chặn bùng phát dịch trên diện rộng. Mặt khác, Bộ NN và PTNT cùng các cơ quan hữu quan cần tích cực hợp tác nhằm tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi như nhanh chóng dập dịch khi mới phát sinh, chọn giống, kỹ thuật nuôi tiên tiến; sớm hoàn thiện, khẩn trương trình Chính phủ chính sách hỗ trợ thiết thực cho các chủ hộ chăn nuôi phục hồi đàn lợn nái (hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng), hỗ trợ vắc-xin phòng bệnh nguy hiểm (tai xanh, dịch tả lợn) hay giảm thuế nhập khẩu ngô, lúa mì; tiếp tục tạo điều kiện, có chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, quy mô lớn; xây dựng, hình thành vành đai và hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn cho đô thị và các khu vực đông dân cư. Bên cạnh đó, cần dự báo nhu cầu, biến động của thị trường tiêu dùng thực phẩm, có các phương thức chủ động điều tiết nguồn hàng, tránh việc tư thương làm giá... Tất cả những biện pháp đồng bộ đó phải được sự quan tâm, đồng lòng của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện./.

Theo: nhandan.org.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com