Trong bộ 19 tiêu chí xây dựng NTM, đối chiếu với tình hình thực tế tại tỉnh ta, có thể thấy nhóm 3 tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập và việc làm là các tiêu chí khó khăn nhất. Cụ thể, ở những địa phương thực hiện xây dựng NTM trong 5 năm phải giảm hộ nghèo xuống dưới 3%, thu nhập bình quân đầu người bằng 1,5 lần thu nhập bình quân của các vùng nông thôn trong tỉnh và có 75% dân số trong độ tuổi lao động làm việc ở lĩnh vực phi nông nghiệp. Tỉnh ta với điều kiện đặc thù nông nghiệp, nhiều địa phương thuần nông nên việc hoàn thành 3 tiêu chí trên không chỉ dựa vào nội lực địa phương mà cần có trợ lực từ bên ngoài, nhất là với tiêu chí 75% lao động làm việc phi nông nghiệp đòi hỏi phải có sự đầu tư của doanh nghiệp về nông thôn để tạo việc làm, thu nhập cho lao động. Đồng chí Phạm Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Hải Phương cho biết: “Xã có nghề dệt truyền thống nhưng tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn rất cao. Khi Cty Gỗ mỹ nghệ Hợp Long đầu tư một xưởng sản xuất trên địa bàn xã đã tạo việc làm cho 300 lao động với thu nhập khá. Sắp tới, xưởng may của Cty CP May Sông Hồng đi vào hoạt động trên địa bàn, tạo việc làm cho 2.000 lao động, xã có thể đảm bảo được tiêu chí về việc làm trong xây dựng NTM”. Từ thực tế, có thể khẳng định doanh nghiệp đầu tư về nông thôn có vai trò rất quan trọng đến kết quả xây dựng NTM. Vì vậy, ngay từ khi triển khai các nội dung xây dựng NTM, UBND tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư về nông thôn.
Đầu tư mở rộng sản xuất về nông thôn là hướng đi hiệu quả của các doanh nghiệp.
Ảnh: Internet
|
Đến thời điểm hiện nay, công tác kêu gọi doanh nghiệp đầu tư về nông thôn tại tỉnh ta đã có những kết quả tích cực, nhất là các doanh nghiệp ngành dệt may. Tại Hải Đường - xã điểm về xây dựng NTM của Trung ương, Cty CP Đầu tư Hải Đường đầu tư đưa xưởng may số 1 vào hoạt động, tạo việc làm cho trên 300 lao động. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng xưởng may tạo việc làm cho trên 2.000 lao động tại xã Hải Phương (Hải Hậu), Cty CP May Sông Hồng đã đầu tư xây dựng xưởng may tại CCN huyện Xuân Trường tạo việc làm cho trên 2.000 lao động. Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Cty CP May Sông Hồng cho biết: “Mục tiêu của Cty là lấy 2 xưởng may này làm tâm điểm, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động trên địa bàn 10 xã của huyện. Cty có kế hoạch đầu tư hàng tỷ đồng mỗi năm vào các công trình phúc lợi địa phương, đây là hành động thiết thực góp phần thực hiện công cuộc phát triển nông thôn của tỉnh”. Cty CP Dệt may Sơn Nam cũng có trên 10 vệ tinh làng nghề, được đầu tư khung dệt, nguyên liệu và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Cty CP Thúy Đạt đã lập 2 dự án đầu tư về nông thôn, gồm dự án đầu tư xây dựng nhà máy dệt, may tại huyện Nam Trực trị giá 5 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động; dự án thứ 2 có diện tích khoảng 20ha tại KCN Bảo Minh trị giá 65 triệu USD, có thể giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Mới đây, tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, 12 doanh nhân đại diện cho các doanh nghiệp đã ký kết ghi nhớ đầu tư về nông thôn và xây dựng Thành phố Nam Định thành đô thị loại I… Để tăng cường số lượng doanh nghiệp, dự án đầu tư về nông thôn, tỉnh ta xác định tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể sản xuất, kinh doanh hiệu quả khi đầu tư về nông thôn. Hiện nay, tỉnh ta là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc đã hoàn thành xây dựng dự thảo, chuẩn bị ban hành trong năm 2011 “Cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về địa bàn nông thôn tỉnh Nam Định”. Đây là chính sách tương đối toàn diện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp về mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, tiền thuê đất, thuê mặt nước, quy trình thực hiện thủ tục đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn, đào tạo lao động, xử lý môi trường và hỗ trợ quảng cáo... Điểm mới của cơ chế là nhận thức rất rõ đặc thù còn hạn chế về cơ sở hạ tầng vật chất của vùng nông thôn nên tỉnh sẽ thực hiện hỗ trợ đối với hạ tầng kỹ thuật cơ bản ngoài hàng rào dự án…
Động thái trên là việc làm cụ thể, thiết thực trong việc kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư về nông thôn, đồng thời thể hiện quyết tâm thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM thành công trên địa bàn tỉnh. Vấn đề còn lại là sự thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân với quê hương. Hơn thế nữa việc đầu tư về nông nghiệp, nông thôn còn là đầu tư cho tương lai, sự phát triển hiệu quả của chính doanh nghiệp, doanh nhân./.