Hiệu quả từ nghề trồng rau ở Tân Thành

08:10, 28/10/2011

Nhiều năm qua, xã Tân Thành là điểm sáng của huyện Vụ Bản về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Với diện tích đất bãi màu mỡ ven sông Đào thuận lợi cho phát triển các loại cây rau màu, xã đã vận động nông dân áp dụng các biện pháp luân canh, xen canh, nhiều diện tích đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Nhân giống rau các loại tại xã Tân Thành (Vụ Bản).
Nhân giống rau các loại tại xã Tân Thành (Vụ Bản).

Hiện nông dân xã Tân Thành trồng hàng chục loại rau màu như: rau cải, rau ngót, ngô, đỗ, mướp đắng, dưa chuột, ngải cứu… trong năm. Để đạt hiệu quả kinh tế cao từ nghề trồng rau, người dân trong xã đã áp dụng biện pháp thâm canh trái vụ với trà sớm và muộn ở hầu hết các loại rau. Với bề dày truyền thống thâm canh, người trồng rau trong xã hiểu kỹ thuật và đặc tính của từng loại rau. Ngoài việc lựa chọn hạt giống tốt, làm kỹ đất, sử dụng phân chuồng để bón lót tạo mùn cho đất, áp dụng biện pháp che phủ một lớp rơm rạ giữ nhiệt cho cây ưa ấm và chăng lưới che nắng đối với cây ưa lạnh, người trồng rau nơi đây sử dụng các loại chế phẩm sinh học và thuốc bảo vệ thực vật mang tính truyền dẫn để cây trồng phát triển tốt và an toàn cho người sử dụng… Các loại rau ngót, rau muống, rau đay, mùng tơi… trước đây, chỉ cho thu hoạch trong thời gian nhất định, nhưng hiện nay nông dân Tân Thành canh tác, thu hái gần như quanh năm, thương lái đến tận ruộng mua với giá cao gấp 4-5 lần rau chính vụ. Do biết tận dụng quỹ đất, lách thời vụ cùng với trình độ thâm canh cao nên hệ số sử dụng đất trồng rau của nông dân trong xã quay vòng 4-5 lần/năm, các loại rau cho hiệu quả kinh tế cao hơn 30% so với trồng chính vụ. Vùng đất bãi ven sông được trồng chủ yếu các loại rau ngắn ngày như rau cải, đậu đỗ, rau diếp, xà lách… cho thu hoạch nhanh và tránh ngập úng. Vùng đất gần chân đê được tận dụng trồng ngải cứu; đất vườn nhà, ven ngõ xóm trồng các loại rau thơm, rau ngót, rau đay, mùng tơi; đất ruộng trũng tận dụng thả rau muống, rau rút… Hơn 800 hộ dân trong xã có thu nhập từ trồng rau màu cao hơn gấp 5-7 lần so với cấy lúa. Sản lượng rau của Tân Thành chủ yếu tiêu thụ tại các chợ ở Thành phố Nam Định và một số bếp ăn tập thể tại các khu, CCN. Hiện, trên diện tích 28 mẫu trồng rau màu giá trị chiếm tới 30% tổng thu nhập từ nông nghiệp của xã.

Cùng với nghề trồng rau màu phát triển, ở xã đang hình thành các dịch vụ sản xuất cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nông cụ, phương tiện vận chuyển... Hằng năm, các hộ sản xuất cây rau màu giống cung ứng hàng trăm triệu cây giống cho các hộ trong xã và các xã lân cận, mang lại thu nhập cao. Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là thâm canh rau màu, cây ăn quả, bên cạnh các chính sách định hướng, khuyến khích phát triển sản xuất, HND xã đã đứng ra tín chấp cho nông dân vay vốn với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN và PTNT; thường xuyên tổ chức tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật thâm canh và chăn nuôi an toàn sinh học.

Để nghề trồng rau màu phát triển bền vững, hình thành vùng chuyên canh trồng rau an toàn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng của thị trường, xã Tân Thành đang đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh rau cho bà con nông dân, đặc biệt là đưa các loại rau củ quả mới có chất lượng cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt vào trồng, tạo nên vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc trưng. Đây là hướng đi lâu dài để phát huy hết tiềm năng và lợi thế của địa phương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com