Chưa có Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm - Nhiều doanh nghiệp gặp khó

04:10, 27/10/2011

Mặc dù Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực hơn 3 tháng nhưng Nghị định hướng dẫn thực thi vẫn chưa có, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó, sản xuất đình trệ và tình trạng vi phạm ATVSTP vẫn diễn ra tràn lan.

Các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong nước đang như “con rối” khi phải đến các bộ để xin công bố hợp quy và đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP). Nhưng các doanh nghiệp đều thất vọng vì không có cơ quan nào cấp giấy chứng nhập do các bộ chưa cụ thể hóa được trách nhiệm và nhiệm vụ quản lý theo quy định tại Luật ATTP.

Nhiều lô hàng nguyên phụ liệu thủy sản nhập khẩu ách tắc tại cảng do chưa có hướng dẫn thực hiện Luật ATTP.
Nhiều lô hàng nguyên phụ liệu thủy sản nhập khẩu ách tắc tại cảng do chưa có hướng dẫn thực hiện Luật ATTP.

Một số doanh nghiệp thủy sản cho biết, để chế biến thủy sản xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các đối tác, họ phải nhập một số nguyên liệu, phụ liệu không sản xuất ở trong nước, như: Các loại phụ gia thực phẩm, bột, nước sốt, rượu thực phẩm... để phối trộn, tẩm hàng, sản xuất các sản phẩm thủy sản cao cấp, ăn liền... Trước khi Luật ATTP được ban hành và có hiệu lực thi hành, việc nhập khẩu các loại sản phẩm trên vẫn được tiến hành thuận lợi theo Quy chế về công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm tại Quyết định số 42 và Quy chế kiểm tra nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu của Bộ Y tế. Nhưng từ khi luật có hiệu lực, nhiều lô hàng của các doanh nghiệp nhập khẩu gặp nhiều vướng mắc và bị ách tắc tại cảng, không được thông quan. Các cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Y tế từ chối cấp phép (trước đó vẫn cấp phép), vì theo quy định của luật, những mặt hàng nhập khẩu này không còn thuộc phạm vi quản lý của họ. Trong khi chờ đợi được cấp phép thì phí lưu kho bãi tăng cao, thiếu nguyên liệu sản xuất, dẫn đến việc sản xuất bị ngưng trệ, khiến không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

Chậm trễ trong khâu hướng dẫn Luật ATTP khiến việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn nông sản đang là một thách thức lớn. Hiện trạng lạm dụng hóa chất trong sản xuất cũng như bảo quản thịt, hoa quả… diễn ra tràn lan. Vừa qua, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN và PTNT) đã phát hiện hóa chất Ethephon hay còn gọi là "thúc chín tố" đang bị lạm dụng để bảo quản thịt tại Thanh Hóa và một số địa phương khác.

Không chỉ trong chế biến, bảo quản, việc lạm dụng hóc môn kích thích tăng trưởng cũng diễn ra khá phổ biến, mặc dù đây là những chất đã bị cấm sử dụng do có thể gây rối loạn chức năng tim, phổi. Người chăn nuôi, vì lợi ích trước mắt đã sử dụng chất Clenbuterol trong chăn nuôi gia cầm, với mục đích kích thích gà, vịt đẻ 2 trứng/ngày; sử dụng trên lợn, giúp tăng trọng nhanh…

Được biết, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN và PTNT, Công thương, Tư pháp khẩn trương hoàn thành, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP trước ngày 30-9. Nhưng theo dự kiến, phải hết tháng 10, các đơn vị của Bộ NN và PTNT mới hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Trong khi chờ đợi nghị định hướng dẫn thực hiện luật và thông tư hướng dẫn chi tiết của các bộ, các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị: Các cơ quan chức năng tiếp tục cấp phép nhập khẩu những mặt hàng thực phẩm trong danh mục theo quy định để hỗ trợ giải tỏa các lô hàng, giảm bớt chi phí lưu kho bãi; việc cấp phép nhập khẩu qua một cửa và do một bộ quản lý, tránh các quy định chồng chéo khi bộ này quản lý còn bộ khác lại cấp phép...

Theo: baocongthuong.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com