Những năm gần đây, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thuỷ sản trong tỉnh đã mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị nguồn lợi thuỷ sản, tạo việc làm cho nhiều lao động. Để phát triển bền vững, ngoài các doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu như Xí nghiệp chế biến thuỷ sản Xuân Thuỷ (Cty Xuất nhập khẩu thuỷ sản Hà Nội), Cty CP Chế biến hải sản Nam Định, Cty TNHH Thịnh Long (Thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu)…, các doanh nghiệp khác đã tập trung đầu tư công nghệ, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng và tham gia vào các chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Trong 9 tháng năm 2011, đã có 45 cơ sở chế biến thủy sản được chứng nhận đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó, nhiều cơ sở đang xây dựng và hoàn chỉnh các tiêu chuẩn về: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Vệ sinh tốt (SSOP), Hệ thống quản lý chất lượng phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm để tiêu thụ trong nước, vươn tới xuất khẩu.
Chế biến cá mai xuất khẩu tại Cty TNHH MTV Hải sản Hùng Vương, xã Giao Hà (Giao Thủy). |
Cty TNHH MTV Hải sản Hùng Vương, xã Giao Hà (Giao Thủy) chuyên cung cấp nguyên liệu và các sản phẩm hải sản qua chế biến. Cty có 2.000m2 nhà xưởng và các thiết bị phục vụ sản xuất. Đặc biệt, Cty đã hỗ trợ hơn 50 tàu đánh cá thông thường cải tiến thành tàu chuyên dùng khai thác cá mai và bao tiêu toàn bộ sản phẩm khai thác của ngư dân làm nguyên liệu chế biến, ổn định sản xuất. Mỗi năm Cty sản xuất khoảng 1.000 tấn sứa tươi, sứa ướp muối xuất bán sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa. Với định hướng phát triển bền vững, Cty đã xây dựng cơ sở vật chất và sản xuất theo hệ thống tiêu chuẩn HACCP. Hiện, Cty đã mở rộng thêm 10 nghìn m2 nhà xưởng, sân phơi nguyên liệu, kho bảo quản và ao xử lý nước thải… Ngoài ra, các thiết bị phụ trợ phục vụ sản xuất như hệ thống máy sấy tự động, máy cấp đông, máy làm đá sạch, xe chuyên dùng và hệ thống lưới chống côn trùng… được đầu tư đồng bộ để sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong tháng 6-2011, Cty đã đầu tư dây chuyền sản xuất chả cá ăn liền và đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Chả cá Hùng Vương” cho sản phẩm. Sản phẩm được chế biến tại Cty từ khâu đánh bắt, lựa chọn nguyên liệu đến thành phẩm và được cấp chứng nhận sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại trong nước cũng như xuất khẩu. Anh Nguyễn Hùng Vương, Giám đốc Cty cho biết: Được Chi cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng (Sở KH và CN), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN và PTNT) hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn HACCP vào sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm của Cty được nâng lên rõ rệt và còn được bảo vệ thương hiệu trên thương trường thông qua việc chứng minh về nguồn gốc xuất xứ, các chỉ tiêu chất lượng… Đây là cơ hội cho sản phẩm của Cty tham gia vào các chuỗi liên kết trong tiêu thụ trong và ngoài nước, đồng thời được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư chuyển giao công nghệ, vốn và đào tạo lao động của Nhà nước.
Cty TNHH Vạn Hoa, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chuyên thu mua và chế biến thủy sản đã xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm sứa ăn liền Vạn Hoa. Từ nguồn sứa nguyên liệu có sẵn tại địa phương, thay vì xuất bán thô dưới dạng ép khô xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, ướp muối xuất sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan như trước đây, Cty đã gia công tẩy mặn, ướp thêm gia vị và một số phụ gia thực phẩm khác tạo nên sản phẩm sứa ăn liền tiêu thụ nội địa, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Với chất lượng được kiểm định, giữ được hương vị đặc trưng, độ giòn dai của sứa biển, cách chế biến đơn giản nên sản phẩm đã nhanh chóng được thị trường ưa chuộng. Vừa qua, Cty đã đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, tuyển dụng hơn 30 lao động có tay nghề, có sức khỏe phù hợp với những quy định vệ sinh chuẩn trong chế biến thực phẩm và tiến hành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Đến nay, sản phẩm sứa ăn liền Vạn Hoa đã được công bố tiêu chuẩn chất lượng và chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng đặc sản biển trong toàn quốc. Từ đầu năm đến nay, Cty đã xuất bán hơn 40 tấn sứa ăn liền.
Trong điều kiện thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong nước và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, việc các doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm ở tất cả các khâu từ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và bảo quản… là thành công lớn của các doanh nghiệp, là bước tiến vững chắc khẳng định thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp chế biến thủy sản đẩy mạnh đầu tư thiết bị công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, các ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền việc nâng cao nhận thức và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương