Đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa xứng tầm

10:09, 15/09/2011

Luôn đứng trong top đầu xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản... song đời sống người nông dân Việt Nam (chiếm 70% dân số) lại thường xuyên phải đối diện với những khó khăn, với những điệp khúc "được mùa mất giá”... Nguyên nhân của nghịch lý này đã được "mổ xẻ” nhiều, nhưng cũng cần nói thêm cả việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chưa thực sự xứng tầm.

Đầu tư giảm theo từng năm

Năm 2011, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự kiến, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt mức kỷ lục 7 triệu tấn. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự đoán, Việt Nam sẽ tiếp tục đứng vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu tiêu. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của ta năm nay sẽ đạt mức hơn 800 triệu USD, tăng hơn 70 triệu USD so với mức dự đoán những tháng trước đó. Liên quan đến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, Bộ NN và PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 8 ước 2,2 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng lên 16,4 tỷ USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2010.

Những con số trên cho thấy, nông nghiệp có tầm quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế của Việt Nam. Thế nhưng, trái với những con số có thể nói là đáng vui mừng ấy, thì cuộc sống của hàng triệu người nông dân Việt Nam lại không hề tương xứng với chính những thành quả mà họ làm ra. Trên thực tế đời sống của người nông dân vẫn luôn phải đối mặt với những khó khăn, khi mà điệp khúc "được mùa mất giá”, "mất mùa được giá”... cứ lặp đi lặp lại hết năm này qua năm khác. Nguyên nhân sâu xa được nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, chính là bởi đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp của ta còn quá "khiêm tốn”, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp (DN) kể cả trong nước và nước ngoài đều không thực sự mặn mà.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Một con số thống kê cho thấy, đầu tư cho lĩnh vực này không tăng, thậm chí giảm dần theo thời gian. Nếu như những năm 2000, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp chiếm khoảng 13,8% GDP thì đến năm 2005, chỉ còn 7,5% năm 2005 và 6,45% vào năm 2008. Và tới năm 2010, con số đầu tư chỉ còn 6,26% GDP.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng từng nhận định trên báo giới rằng: Theo dõi vốn đầu tư đổ vào nông nghiệp nhiều năm nay, đáng lẽ nó phải tỷ lệ thuận với tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng ngược lại, nó đang giảm dần theo từng năm. "Khi đàm phán WTO, người ta cho phép ta đầu tư vào khu vực nông nghiệp khoảng 10% GDP. Nhưng khi rà soát lại tổng vốn đầu tư, thì con số nhỏ hơn nhiều”.

Doanh nghiệp không mặn mà - vì sao?

GS-TS Nguyễn Đăng Vang, chuyên gia kinh tế nông nghiệp cũng có nhận xét rằng, đầu tư cho nông nghiệp hiện nay vẫn chưa xứng tầm với vai trò của nó, trong khi GDP của ngành này chiếm 20,91% đã tác động không tốt cho ngành nông nghiệp và bà con nông dân.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự "thờ ơ” của DN (cả trong nước và nước ngoài) đối với lĩnh vực này. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định: Mặc dù hiệu quả đồng vốn tương đối khá trong lĩnh vực này nhưng không đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước trước những khó khăn to lớn về kết cấu hạ tầng yếu kém, dịch vụ kém phát triển, thiếu lao động tay nghề cao và các thủ tục phức tạp trong cấp đất, đăng ký và quản lý DN hoạt động...

Theo thống kê của Bộ môn Nghiên cứu thể chế nông thôn, thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, trong tổng số 580 nghìn DN đăng ký hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam, chỉ có khoảng 1% DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Quy mô sản xuất kinh doanh của các DN nông nghiệp đa số còn nhỏ, trên 90% số DN nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng; 6% có vốn từ 10-50 tỷ đồng và chỉ có 1% có mức trên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận của DN trong khu vực kinh tế này lại chiếm 2,3% tổng lợi nhuận của toàn bộ DN cả nước. Điều này cho thấy lợi nhuận khi đầu tư vào nông nghiệp là khá cao nhưng vẫn không thu hút được nhiều DN đầu tư.

Lý giải cho sự thiếu hấp dẫn DN, các chuyên gia trong ngành đều nhận định rằng: Do chính sách thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn bất nhất, thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức... Nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được đưa ra, song do khâu tổ chức thực hiện chưa thật tốt, nên kém sức hấp dẫn đối với DN.

Còn nhớ, tại một cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, Giáo sư Ari Kokko - Trường Đại học Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) đã nhấn mạnh rằng, vấn đề quan trọng của ngành nông nghiệp ở Việt Nam là phải làm sao để xây dựng được chiến lược phát triển hợp lý, khi đó sẽ tận dụng có hiệu quả thế mạnh của nông nghiệp. Qua đó góp phần giúp lĩnh vực này đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com