Trừ sâu bệnh, phải bảo vệ thiên địch

07:09, 26/09/2011

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh tổ chức hàng trăm lớp học IPM cho nông dân về bảo vệ thiên địch - phương pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng hiệu quả, bền vững, đỡ tốn kém nhất và không hủy hoại môi trường sinh thái. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân: nhận thức của nông dân, của đội ngũ cán bộ chỉ đạo sản xuất và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… nên tình trạng một bộ phận nông dân dùng hóa chất để diệt trừ sâu bệnh cho cây trồng một cách tùy tiện, theo kiểu “phòng hơn trừ”. Đợt cuối tháng 8-2011, nhiều nông dân ở các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc… ra đồng phun thuốc cho lúa. Tìm hiểu chúng tôi được biết, nông dân phun thuốc trừ bệnh vàng lá lúa. Tuy nhiên, anh Trần Văn Hội, Chi cục trưởng Chi cục BVTV (Sở NN và PTNT), cho biết: “Đấy là bệnh đốm sọc vi khuẩn. Bệnh không có thuốc đặc trị, nguyên nhân gây bệnh là do các hộ nông dân chăm bón không cân đối các chất dinh dưỡng NPK cho cây lúa. Chi cục và các trạm BVTV huyện không chỉ đạo phun trừ bệnh này… Nhưng vì lợi nhuận, các hộ kinh doanh thuốc BVTV đã hướng dẫn không theo chỉ đạo của ngành”.

Sử dụng thuốc BVTV không đúng liều lượng, chủng loại rất khó phòng trừ sâu bệnh, dễ tiêu diệt thiên địch. Ảnh: Internet
Sử dụng thuốc BVTV không đúng liều lượng, chủng loại rất khó phòng trừ sâu bệnh, dễ tiêu diệt thiên địch.
Ảnh: Internet

Vụ mùa năm 2011, trong lúc triển khai sản xuất gặp rất nhiều khó khăn nhưng sâu bệnh hại lúa có phần giảm nhiều so với trung bình nhiều năm gần đây. Nguyên nhân do các loại thiên địch như: nhện các loại, ong đơn, nấm gây hại cho các loại sâu ngay từ lúc còn non… phát triển và duy trì ở mức độ cao. Thậm chí qua các đèn bắt bướm đặt tại địa phương và thực tế kiểm tra thực địa bướm sâu cuốn lá lứa 6 rộ ở 2 cao điểm (13 đến 17-8 và 25 đến 30-8) xuất hiện khá cao nhưng thực tế sâu nở ra, tồn tại và gây hại không lớn, gần như không phải phun trừ. Theo đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT thì: “Vụ lúa mùa này nông dân tỉnh ta “trốn” được 1-2 lần phun thuốc BVTV trừ sâu cuốn lá nhỏ và các loại sâu bệnh khác hại lúa…”. Một lần phun thuốc BVTV người nông dân phải tốn vài chục nghìn cho mỗi sào ruộng cấy. Như vậy với 80.250ha lúa mùa năm 2011 không phải phun thuốc BVTV 1-2 lần thì hiệu quả kinh tế là không hề nhỏ, đấy là chưa kể giảm thiểu mức độ độc hại với môi trường sinh thái, đặc biệt đối với sức khỏe con người.

Hiện tại, bướm sâu cuốn lá lứa 7 đang rộ và sâu non nở rộ sau ngày 20-9, mật độ thấp hơn trung bình nhiều năm, phổ biến 7-15 con/m2, cao 30-50 con/m2, cục bộ trên 100 con/m2, phân bố cục bộ trên diện tích lúa trỗ muộn, xanh lướt do chăm sóc muộn và bón phân không cân đối. Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 6 tiếp tục rộ đến ngày 25-9, tập trung trên các trà lúa trỗ trước ngày 25-9, song gây hại cục bộ, dự kiến diện tích phải phun trừ trên dưới 8.000ha (9,9% diện tích lúa mùa). Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 7 nở rộ từ đầu đến trung tuần tháng 10, tập trung trên các trà lúa trỗ sau 25-9. Một số đối tượng gây hại khác như sâu đục thân 2 chấm, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt… cũng sẽ gây hại cục bộ cho lúa mùa.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của sâu bệnh bảo vệ lúa mùa nhưng bảo vệ được các đối tượng thiên địch không những cho vụ này và cả những vụ sau, các địa phương, nhất là Phòng NN và PTNT, Trạm BVTV các huyện, thành phố, Ban Nông nghiệp xã, HTX và nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sinh vật hại chính và thời tiết để phòng trừ kịp thời khi mật độ đạt đến “ngưỡng”, khoanh vùng diện tích cần phun trừ, tránh phun trừ tràn lan. Với sâu cuốn lá lứa 6 và lứa 7, chỉ phun cho những diện tích lúa có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên. Phun trừ rầy nâu, rầy lưng trắng cho những diện tích có mật độ từ 50 con/khóm trở lên, nếu lúa ở giai đoạn từ đòng già đến trỗ chín phải rẽ lúa thành băng (3-4 hàng lúa/băng) và phun trực tiếp vào nơi cư trú của rầy. Phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông cho những giống lúa nhiễm: BC15, nếp… đặc biệt là những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá và khi trỗ gặp trời mưa. Phun trừ bệnh khô vằn cho những diện tích mới chớm xuất hiện, phun trừ bọ xít xanh, bọ xít dài khi mật độ 8 con/m2 trở lên.

Hiện nay, Chi cục BVTV đã dự kiến lịch phun phòng trừ và chỉ đạo cụ thể từng loại thuốc phun trừ cho từng đối tượng sâu bệnh và từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của lúa mùa, các địa phương, nhất là các cơ quan chức năng và nông dân cần tuân thủ triệt để. Đặc biệt tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thuốc BVTV, yêu cầu các đại lý, các hộ kinh doanh thuốc BVTV cung ứng và hướng dẫn nông dân sử dụng đúng những loại thuốc, nồng độ pha theo hướng dẫn của Chi cục BVTV; kiên quyết xử lý các đại lý, các hộ kinh doanh thuốc BVTV bán và hướng dẫn phun trừ không đúng chủng loại thuốc đã được hướng dẫn.

Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại nhưng phải bảo vệ được thiên địch, bảo vệ được môi trường sinh thái là cách làm khôn ngoan và hữu hiệu, vừa kinh tế, vừa phát triển bền vững cho nền nông nghiệp sạch. Ngành NN và PTNT và các địa phương cần tiếp tục khuyến khích và đẩy mạnh việc hướng dẫn nông dân áp dụng phương pháp IPM trong trồng trọt./.

Tất Thắc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com