Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

08:09, 23/09/2011

Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là yếu tố đầu tiên và quan trọng để nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư tại địa phương. Sự tăng tiến PCI năm 2010 của tỉnh ta đã kéo theo hiệu ứng rõ rệt về thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, hiện nay nhiệm vụ đặt ra là phải tiếp tục đưa PCI lên một mức cao mới.

Bước tiến vượt bậc

PCI là kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với doanh nghiệp về 9 tiêu chí, gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý để tổng hợp, nhận định về vai trò, hiệu quả của việc điều hành kinh tế tại địa phương. Nói cách khác, PCI là công cụ để đo lường và đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố, đồng thời là chỉ số xây dựng từ niềm tin và cảm nhận của doanh nghiệp với chính quyền địa phương.

Trong giai đoạn 2006-2009, chỉ số PCI của tỉnh ta nằm trong nhóm thấp. Nhận thức rõ thực trạng, ý nghĩa của chỉ số này, cuối năm 2009 UBND tỉnh đã chỉ đạo việc nghiên cứu, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng điều hành kinh tế để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bước chuyển động đầu tiên là kết quả thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thực hiện Đề án 30, các ngành đã rà soát, thống kê có tổng số 211 thủ tục hành chính hiện hành. Ngay sau đó đã thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả của các thủ tục trong thực tế tác động đến nhà đầu tư, tham vấn trực tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư về từng thủ tục… từ đó kiến nghị giữ nguyên 104 thủ tục, thực hiện đơn giản hóa 107 thủ tục, đạt 51% số thủ tục được đơn giản hóa, cao hơn 21% so với yêu cầu của Chính phủ. Kết quả này đã nhận được sự đồng tình cao của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư đều có sự chỉ đạo của tỉnh để tạo thuận lợi, từng chỉ số thành phần của PCI đều được phân tích, quan tâm cải thiện. Điển hình là ngành KH và ĐT đã triển khai hiệu quả mô hình “một cửa” liên thông, thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư. Ngành Thuế tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, có công văn hướng dẫn và tiến hành tập huấn cho doanh nghiệp về từng chính sách thuế… Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã xử lý trách nhiệm đối với trường hợp cán bộ ngành TN và MT thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Những việc làm trên đã tạo chuyển biến về điểm số, thứ tự xếp hạng PCI của tỉnh ta. Đến hết năm 2010, với điểm số PCI đạt 55,63 điểm, tăng 3,03 điểm so với năm 2009, Nam Định đứng thứ 45 trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước và tăng 10 bậc so với năm 2009. Trong 9 chỉ số thành phần của PCI, tỉnh ta có tới 7 chỉ số tăng điểm, đó là tính minh bạch, chi phí thời gian, đào tạo lao động, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức…

Cải thiện chỉ số PCI về chi phí thời gian giúp Cty CP Dệt len Thủy Bình (KCN Hòa Xá) sớm đưa dây chuyền sản xuất vào hoạt động.
Cải thiện chỉ số PCI về chi phí thời gian giúp Cty CP Dệt len Thủy Bình (KCN Hòa Xá) sớm đưa dây chuyền sản xuất vào hoạt động.

Sự chuyển biến tích cực của chỉ số PCI đã kéo theo kết quả cụ thể về phát triển, tăng trưởng kinh tế. Năm 2010, tỉnh ta đã đón số lượng các dự án đầu tư lớn nhất và cũng là năm triển khai nhiều dự án xây dựng cơ bản với số vốn lớn nhất từ trước tới nay. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 33 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký gần 5,2 tỷ USD. Tốc độ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tăng 26,7%/năm với số doanh nghiệp hiện có là gần 4.000 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký là gần 40 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2010 trong bối cảnh chung rất khó khăn vẫn đạt tốc độ trên 13%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17%, cao hơn bình quân chung của cả nước…

Mục tiêu đặt ra

Việc có tới 7 chỉ số thành phần của PCI tăng điểm và được vào nhóm khá về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là tín hiệu phấn khởi về môi trường đầu tư, kinh doanh nói riêng và phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh ta nói chung. Tuy nhiên, với vị trí xếp thứ 45/63 tỉnh, thành phố và còn 2 chỉ số về chi phí gia nhập thị trường và thiết chế pháp lý giảm thì nhiệm vụ nâng cao PCI của tỉnh ta vẫn còn rất lớn.

Lý giải về sự tụt giảm của chỉ tiêu thành phần chi phí gia nhập thị trường, đồng chí Phạm Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở KH và ĐT cho biết: “Chỉ số chi phí gia nhập thị trường gồm thời gian đăng ký kinh doanh, thời gian đăng ký kinh doanh bổ sung, số lượng giấy đăng ký, giấy phép kinh doanh cần thiết để chính thức hoạt động. Điểm số gia nhập thị trường của tỉnh ta năm 2010 là 5,66, đứng thứ 58/63 tỉnh, thành phố, giảm 1,88 điểm so với năm 2009. Sở KH và ĐT đã nỗ lực rút ngắn thời gian thực hiện đăng ký kinh doanh xuống còn 5 ngày thông qua cơ chế “một cửa” liên thông với Cục Thuế tỉnh. Những trường hợp doanh nghiệp chưa nắm được thủ tục, Phòng Đăng ký kinh doanh hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lập và hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký kinh doanh. Trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp đến nay đều hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh trong 3 ngày. Tuy nhiên, khi điều tra cho thấy doanh nghiệp tỉnh ta có tỷ lệ hoạt động ở các ngành có điều kiện đặc thù như hoạt động tư vấn, giám sát đầu tư, khám chữa bệnh, kinh doanh bất động sản, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật… rất lớn. Vì vậy, ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh thì để hoạt động, các doanh nghiệp này còn phải xin cấp giấy phép điều kiện kinh doanh khác. Đây chính là nguyên nhân làm chậm thời gian gia nhập thị trường, dẫn đến tụt giảm điểm thành phần này tại tỉnh ta”. Đối với chỉ số thành phần thiết chế pháp lý, báo cáo của VCCI cho biết doanh nghiệp phản ánh UBND tỉnh đã có rất nhiều cải cách, vận dụng về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở một số ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc quy định, chỉ đạo của UBND tỉnh về giảm tiện thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; cá biệt có một số cán bộ, nhân viên còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Khắc phục sự tụt giảm hai chỉ số thành phần là yêu cầu đặt ra đầu tiên đối với nhiệm vụ nâng cao PCI. Sở KH và ĐT đã xây dựng nhóm 8 giải pháp hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp trong thực hiện đăng ký kinh doanh để cải thiện chỉ số gia nhập thị trường. Cuối tháng 8-2011, UBND tỉnh đã ban hành 5 quyết định gồm Quyết định số 1365/QĐ, Quyết định số 1366/QĐ-UBND, Quyết định số 1405/QĐ-UBND, Quyết định số 1438/QĐ-UBND và Quyết định số 1439/QĐ-UBND về đơn giản hóa 86 thủ tục thuộc các lĩnh vực Nông nghiệp, KH và ĐT, Xây dựng, TN và MT, GTVT. Các thủ tục được rút ngắn thời gian giải quyết từ 30 đến 65% so với trước đây. Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, UBND tỉnh đã công bố chính thức danh mục 122 thủ tục công khai và 2 thủ tục không công khai thuộc 5 lĩnh vực ngành trên tại website của tỉnh để doanh nghiệp đối chiếu. Tại văn phòng các cơ quan chức năng, các trung tâm “một cửa” của các ngành đều thông báo công khai số điện thoại của Văn phòng UBND tỉnh và của lãnh đạo UBND tỉnh để giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo, giao trách nhiệm cho từng ngành liên quan tới các chỉ số thành phần còn lại duy trì tốc độ tăng điểm, đồng thời xây dựng các cơ chế hỗ trợ năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và vốn lớn, đầu tư vào khu vực nông thôn.

Nội dung cốt yếu để có thể nâng cao được chỉ số PCI của tỉnh là phải có sự đồng thuận của toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là ở các cấp, ngành chức năng. Và để PCI tăng điểm mạnh và vững chắc, cần có sự tham gia của chính các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thực tế cho thấy trong quá trình hoạt động, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp vì nôn nóng đã bỏ qua quy trình thủ tục, làm tắt, dẫn đến tự gây chậm, và tốn phí, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Hiện tại trình độ pháp lý của chủ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp trưởng thành từ nông thôn còn nhiều hạn chế, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín môi trường đầu tư của tỉnh. Cùng với việc tổ chức đào tạo, vận động doanh nghiệp tự đào tạo để nâng cao trình độ, cần phải có quy định về điều kiện trình độ của chủ doanh nghiệp trước khi đưa doanh nghiệp vào hoạt động. Có như vậy mới tạo ra một hệ thống đồng bộ, thống nhất trong việc hướng tới mục tiêu nâng cao PCI./.

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com