Thị trấn Lâm phát triển sản xuất CN-TTCN bền vững

08:09, 21/09/2011

Thị trấn Lâm (Ý Yên) xác định sản xuất CN-TTCN là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Tám tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất CN-TTCN của Thị trấn Lâm ước đạt hơn 100 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Đặc biệt các nghề đúc đồng mỹ nghệ, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ngày càng phát triển nhờ sự đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng. 

Công đoạn hoàn thiện sản phẩm đồ đồng TCMN ở xưởng đúc đồng thuộc CCN Thị trấn Lâm (Ý Yên).
Công đoạn hoàn thiện sản phẩm đồ đồng TCMN ở xưởng đúc đồng
thuộc CCN Thị trấn Lâm (Ý Yên).

Đúc đồng mỹ nghệ là thế mạnh của Thị trấn Lâm. Hiện nay, trên địa bàn Thị trấn có 28 Cty, doanh nghiệp tư nhân và hơn 200 cơ sở sản xuất hộ gia đình đúc đồng mỹ nghệ. Làng nghề truyền thống Vạn Điểm xưa (nay là Thị trấn Lâm) từ lâu đã nổi danh về nghề đúc đồng, tay nghề của lao động trong các doanh nghiệp đều cao, sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ được đánh giá cao về giá trị thẩm mỹ. Doanh nghiệp đúc đồng của nghệ nhân Vũ Duy Thuấn đã đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng xưởng đúc đồng hơn 3.000m2 tại CCN Thị trấn Lâm, tạo việc làm cho 30-40 lao động với thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp ký được hợp đồng thi công nhiều công trình lớn như Bảo Tháp ở chùa Bái Đính (Ninh Bình) với chiều cao 14m, nặng hơn 60 tấn và toàn bộ tượng Phật trong chùa; Tượng đài Thánh Gióng ở xã Từ Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cao 15m, nặng 90 tấn, Tượng đài Hòa Bình - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội… Doanh nghiệp đúc đồng mỹ nghệ Dương Bá Dũng đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng mở rộng nhà xưởng, đổi mới công nghệ, liên kết với Viện Hóa học và Vật liệu theo dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và thiết bị sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ kim loại màu quy mô làng nghề” đảm bảo công nghệ nhuộm các màu nâu, đen, vàng, thời gian nhuộm nhanh hơn 4-5 lần so với công nghệ cũ; chất lượng nhuộm màu hợp kim đồng kẽm bóng và bám chắc hơn so với hợp kim đồng chì. Chủ doanh nghiệp Dương Bá Dũng cho biết, đầu năm 2012 doanh nghiệp sẽ đầu tư xây thêm một xưởng đúc mới với diện tích hơn 500m2, tạo thêm việc làm cho 30-40 lao động với thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng/người/tháng. Khi ứng dụng công nghệ đúc đồng chân không, sẽ tạo ra sản phẩm đồng mỹ nghệ có độ tinh xảo cao hơn, năng suất tăng, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tập trung ở các hộ ven đường 485 (đường 57 cũ). Các cơ sở mộc mỹ nghệ đều đang mở rộng quy mô sản xuất. Mặt hàng chủ yếu là bàn ghế, sập gụ, tủ chè chế biến từ gỗ xà cừ, thu hút được nhiều lao động, đặc biệt là tận dụng được thời gian nông nhàn của lao động nông nghiệp...

Năm 2011, Thị trấn Lâm phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN tăng 17%, chiếm 55% trong cơ cấu kinh tế của thị trấn. Để đạt được mục tiêu trên, Thị trấn Lâm tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển CN-TTCN và ngành nghề phù hợp quy hoạch chung và thực tế ở địa phương; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đơn vị sản xuất kinh doanh về mặt bằng, thủ tục đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có dự án mới đầu tư mở rộng sản xuất; tích cực triển khai các chương trình đào tạo, dạy nghề từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và của huyện./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com