Tập trung các giải pháp chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn

10:09, 15/09/2011

Hiện nay, 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 1 ở tỉnh ta đều đã hoàn thành việc xây dựng 3 quy hoạch cấp xã, làm nền móng cho việc thực hiện 18 tiêu chí còn lại. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, 3 tiêu chí số 10, 11, 12 thuộc nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất khi triển khai gặp không ít khó khăn. Cụ thể, tiêu chí 10 về thu nhập bình quân đầu người bằng 1,5 lần so với mức thu nhập bình quân của vùng nông thôn trong tỉnh, tiêu chí số 11 giảm hộ nghèo xuống dưới 3% và tiêu chí số 12 tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt 25% ở các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, còn lại 75% lao động làm việc phi nông nghiệp. Đây là 3 tiêu chí có mối quan hệ hữu cơ thúc đẩy nhau (thu nhập - giảm nghèo - việc làm). Theo báo cáo của Sở LĐ-TB và XH, trong 8 tháng đầu năm 2011 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho trên 15 nghìn lao động. Tuy nhiên, dù đã có chủ trương của tỉnh, tập trung tạo việc làm sang hướng công - thương nghiệp, dịch vụ thì trong số lao động được tạo việc làm mới vẫn có trên 7.000 lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Như vậy các địa phương cần tập trung các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tiến trình xây dựng NTM. Đây cũng là thách thức lớn đối với công tác xây dựng NTM ở các địa phương trong tỉnh hiện nay… Tại các cuộc kiểm tra, làm việc về tiến độ xây dựng NTM, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo sớm cấp nguồn kinh phí để các xã, thị trấn có vốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, ưu tiên việc thực hiện tiêu chí 12 về chuyển dịch cơ cấu lao động cả về vốn cũng như cơ chế thực hiện, đồng thời UBND tỉnh sẽ có phương pháp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Qua phân tích, đánh giá, có 2 yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả chuyển dịch cơ cấu lao động. Thứ nhất lao động phải có nghề và có thu nhập ổn định từ nghề để yên tâm chuyển sang sản xuất CN-TTCN. Thứ hai, phải có môi trường công việc đảm bảo để người lao động yên tâm làm nghề.

Sản xuất tại Cty CP May Hải Đường (Hải Hậu).
Sản xuất tại Cty CP May Hải Đường (Hải Hậu).

Về vấn đề đào tạo nghề, lợi thế từ Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai song hành với xây dựng NTM đã tạo kết quả tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động. Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, đến hết tháng 6-2011, đã đào tạo nghề tại 33/96 xã xây dựng NTM với 1.533 người học nghề. Đến hết tháng 8-2011 tổ chức dạy nghề tại các xã điểm xây dựng NTM mỗi xã mở ít nhất 3 lớp. Tại 85 xã, thị trấn xây dựng NTM còn lại, mỗi xã ít nhất mở 2 lớp, mỗi lớp 75 người. Trong các năm sau, số lượng lao động được đào tạo nghề theo chỉ tiêu của Đề án 1956 sẽ bằng hoặc cao hơn. Cùng với số lượng lao động được đào tạo nghề từ các chương trình khác như dạy nghề hộ nghèo, dạy nghề của địa phương, đào tạo nghề theo chương trình khuyến công…, phấn đấu số lao động được đào tạo nghề đạt tỷ lệ 75% lao động nông thôn cần chuyển dịch sang phi nông nghiệp. Nhưng để công tác dạy nghề trở thành “đòn bẩy” trong chuyển dịch cơ cấu lao động, việc dạy nghề hiện nay cần đào tạo chuyên sâu, đảm bảo trình độ tay nghề của người lao động đáp ứng được với làm nghề chuyên nghiệp.

Vấn đề tạo việc làm ổn định sau khi học nghề là yếu tố quyết định, trực tiếp tạo chuyển biến về chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Thực tế ở các xã Hải Đường, Hải Phương (Hải Hậu), việc đưa nghề mới về, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa bàn để tạo việc làm cho nông dân đang phát huy hiệu quả. Với hàng nghìn lao động được học nghề, cộng với việc các doanh nghiệp như: Cty CP đầu tư Hải Đường, Cty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Hợp Long, Cty CP May Sông Hồng đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tại địa bàn sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động cho 2 xã. Từ kinh nghiệm của Hải Đường, Hải Phương, các địa phương cần căn cứ vào điều kiện thực tế để xây dựng chương trình, giải pháp cụ thể đưa nghề gì, số lao động bao nhiêu là phù hợp; xác định hướng phát triển tốt nhất trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả, vì chỉ khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì việc làm của người lao động mới ổn định, chuyển dịch lao động mới vững chắc. Hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng và sẽ ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, đầu tư vào xây dựng NTM, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở các địa phương theo tiêu chí xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com